Nikkei: Việt Nam phải hành động thật nhanh để tránh liên lụy từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc
Trong giai đoạn u ám hiện nay của kinh tế toàn cầu, nơi mà người ta có thể nhìn thấy tia sáng hy vọng có thể là Việt Nam, theo nhận định trên Nikkei Asia Review. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới, với quy mô dân số ngày càng lớn, chỉ số niềm tin cao và tình hình chính trị ổn định. Nhờ những khoản đầu tư lớn từ các công ty đa quốc gia như Samsung Electronics hay Nestle, Việt Nam dần trở thành công xưởng lớn của thế giới, điều kiện sống của người dân theo đó cũng được cải thiện. Tháng 5, Fitch đã nâng xếp hạng tín nhiệm đối với nợ ngoại tệ dài hạn của Việt Nam lên BB.
Tuy nhiên, từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khai hỏa cho cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử kinh tế, đà tăng trưởng của thế giới đã không còn suôn sẻ như trước. Vậy, liệu một nền kinh tế châu Á với quy mô nhỏ, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nhưng lại rất mở cửa như Việt Nam có thể tồn tại dưới những đòn tấn công và phản công liên tục từ Mỹ và Trung Quốc hay không? Chưa kể đến việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng đang dần thắt chặt chính sách tiền tệ. Giới đầu tư rõ rang có lý do để nghi ngờ rằng mức tăng trưởng GDP quý II 6,8% của Việt Nam có thể đã bị thổi phồng.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành tăng cường giám sát thị trường đồng thời phác thảo kế hoạch nhằm giảm thiểu tác động xấu từ yếu tố bên ngoài. Trong đó, mối đe dọa rõ ràng nhất đối với sự ổn định kinh tế – xã hội của Việt Nam là chính sách thuế mới của ông Trump.
Việt Nam thiệt hại ra sao?
Chính sách thuế của ông Trump không hề có lợi đối với định hướng tập trung vào xuất khẩu hàng hóa của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trung Quốc vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng cũng là mục tiêu chính của ông Trump trong cuộc chiến thương mại lần này nên việc Việt Nam bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi.
Minh chứng rõ ràng nhất cho điều này là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quý II (6,8%) đã chậm lại đáng kể so với ba tháng đầu năm (7,5%). Dù tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu trong nửa đầu năm 2018 tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, con số này có thể giảm mạnh hơn nữa trong thời gian tới vì việc Mỹ quyết định áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu sẽ đẩy chi phí nguyên liệu lên cao và “bẻ gãy” các mối quan hệ thương mại của Việt Nam.
Đáng lưu ý nhất là quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc. Hàn Quốc vốn là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ hai sau Trung Quốc và cũng là nhà đầu tư dài hạn lớn nhất của Việt Nam.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc đang liên lụy đến nhiều quốc gia, trong đó có cả Hàn Quốc. Trong quý IV/2017, kinh tế nước này suy giảm lần đầu tiên trong 9 năm qua. Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa gần đây cũng bắt đầu chững lại, giảm 0,1% trong tháng 6 sau khi tăng tới 13,2% trong một tháng trước đó.
Những thiệt hại mà Hàn Quốc phải chịu sẽ là vấn đề lớn đối với Việt Nam, cụ thể hơn là ngăn cản dòng vốn từ Hàn Quốc sang nền kinh tế lớn thứ 6 Đông Nam Á này. Samsung, LG Electronics và các “đại gia” Hàn Quốc khác đang đổ hàng chục tỷ USD vào Việt Nam trong bối cảnh chi phí lao động tại Trung Quốc ngày càng tăng. Riêng Samsung đã đầu tư hơn 17 tỷ USD vào 8 nhà máy tại Việt Nam, nơi sản xuất ra phần lớn lượng điện thoại thông minh của hãng. Năm 2017, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Samsung từ Việt Nam đạt khoảng 54 tỷ USD, tương đương 28% GDP.
Tuy nhiên, một số người cho rằng chính sách thuế của ông Trump đang giúp Việt Nam. Bởi trước khi Mỹ công bố loạt thuế mới, các doanh nghiệp châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đã lên kế hoạch B. Họ tăng cường tìm kiếm và di chuyển cơ sở sản xuất sang Đông Nam Á, nơi có môi trường ổn định hơn và chi phí sản xuất rẻ hơn, trong bối cảnh chi phí sản xuất tại Trung Quốc lên cao và triển vọng kinh tế có nhiều bất ổn.
Việt Nam nên làm gì?
Vì vậy, hơn bao giờ hết chính phủ Việt Nam cần phải đẩy nhanh tiến trình cải cách cơ cấu: củng cố hệ thống tài chính, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, kiểm soát các ngân hàng ngầm, tự do hóa tài khoản vốn, tăng cường minh bạch, bài trừ nạn hối lộ, và đầu tư mạnh vào nguồn nhân lực để thúc đẩy xu hướng khởi nghiệp.
Gần 25% dân số Việt Nam đang ở độ tuổi dưới 15 nên bí quyết là “gieo” tinh thần khởi nghiệp đi khắp đất nước. Đây là việc làm cần thiết để có thể nhanh chóng nâng mức sống của người dân Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 6,3% trong suốt 12 năm qua, thu nhập trên đầu người hàng năm của Việt Nam đã lên tới 2.385 USD, gấp hơn 6 lần năm 2000. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn rất nhiều mức thu nhập của Trung Quốc là 9.000 USD. Mặt khác, Việt Nam vẫn phải nỗ lực để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Để duy trì tốc độ tăng trưởng và hạn chế tình trạng bất bình đẳng, chính phủ Việt Nam cần thay đổi động lực tăng trưởng cơ bản, trong đó việc cần thiết là bớt phụ thuộc vào biện pháp nới lỏng tiền tệ. Bất cứ biện pháp nới lỏng nào nhằm hạ lãi suất tái cấp vốn (hiện là 6,25%) sẽ tạo thêm rủi ro khiến nền kinh tế phát triển quá nóng.