Về đầu trang

Nỗ lực tìm đường ra cho chăn nuôi

Posted by admin

Tọa đàm “Ngành chăn nuôi Đồng Nai thời kỳ hội nhập” diễn ra mới đây tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã ghi nhận nhiều giải pháp giúp ngành này không còn rơi cảnh khủng hoảng rớt giá, dần phát triển bền vững hơn…

 

16-42-43_dscf8978
Đồng Nai đang nỗ lực tìm đường ra cho ngành chăn nuôi

Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, trước đây, Đồng Nai xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc từ 5.000 – 6.000 con heo/ngày, thì thời gian qua còn chưa đầy 1.500 con/ngày. Về giá bán, so với cùng thời điểm năm ngoái đã “bốc hơi” trên 50% (từ trên 50.000 đồng/kg xuống còn khoảng 24.000 đồng/kg); tương tự giá gà trắng cũng chỉ còn 26.000 đồng/kg, gà màu 33.000 đồng/kg (lỗ 6.000 – 7.000 đồng/kg).

Trước tình hình tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gặp khó khăn, Sở NN-PTNT phối hợp với Sở Công thương, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai và các địa phương tổ chức 14 điểm bán thịt heo bình ổn giá cho người tiêu dùng, đồng thời giúp người chăn nuôi bán heo với giá tốt hơn.

Về lâu dài, Sở NN-PTNT đang tập trung thông tin tuyên truyền đến người chăn nuôi về giá cả thị trường, tình hình lưu thông sản phẩm trong và ngoài nước để người dân điều chỉnh việc tái đàn. Đồng thời, Sở tăng cường công tác vận động, khuyến khích phát triển chăn nuôi heo theo các chuỗi liên kết thông qua việc thành lập các tổ hợp tác, HTX để liên kết chuỗi sản xuất. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, VietGAHP, giảm giá thành bằng cách tổ chức thu mua nguyên liệu đầu vào để phối trộn thức ăn, giảm khâu trung gian.

Sở cũng phối hợp với các ban, ngành, địa phương đề nghị tăng cường xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh lưu thông sản phẩm chăn nuôi. Triển khai việc kết nối thu mua, tiêu thụ sản phẩm thông qua các DN như Vissan, MM Mega Market, Rosy và các chuỗi đang có như San Hà, Bình Minh, Anh Hào Phát, Thuận Trường…

Tương tự, Sở Công thương tỉnh Đồng Nai khẳng định sẽ phối hợp với Sở NN-PTNT và các địa phương làm việc trực tiếp với các hộ chăn nuôi tự phát, không theo quy trình, không trong quy hoạch để hướng dẫn họ tổ chức theo chuỗi liên kết nhằm tạo nguồn cung ứng bền vững; đồng thời tổ chức tuyên truyền và cảnh báo rủi ro nếu không tham gia chuỗi liên kết.

Sở tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng nhà máy chế biến sâu để tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; đồng thời phối hợp với tham tán thương mại tại các nước để nắm bắt thị trường, giá cả nhằm hỗ trợ thông cho người chăn nuôi trong nước. Ngoài ra, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với TPHCM hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thu mua heo có truy xuất nguồn gốc để cung cấp vào thị trường thành phố (đây là thị trường chủ lực của tỉnh).

Trong khi đó, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đề xuất xây dựng chợ đầu mối bán thịt gia súc, gia cầm nhằm cung cấp thịt sau giết mổ với giá cả phù hợp, đảm bảo VSATTP, giảm sự độc quyền của trung gian trong việc mua và cung cấp thịt cho người tiêu dùng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường chuyển giao ứng dụng KHKT (giống, vật tư, quy trình chăn nuôi…) cho nông dân để sản phẩm đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi liên kết, hướng đến xuất khẩu tạo giá trị gia tăng.

Đặc biệt, Hội Nông dân đề xuất nhà nước rà soát quy hoạch, định hướng cho người chăn nuôi, đảm bảo có đầu ra ổn định theo nhu cầu thị trường; đồng thời có các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi sớm khôi phục sản xuất.

Trong thời gian tới, tỉnh Đồng Nai sẽ quyết liệt tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với quy hoạch phát triển chăn nuôi, quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh triển khai áp dụng VietGAHP và xây dựng chuỗi sản xuất chăn nuôi an toàn; quyết liệt quy hoạch tổng đàn chăn nuôi phù hợp với từng địa phương, tránh tình trạng cung vượt cầu.

 

Trả lời