Về đầu trang

Nông dân Brazil đổ xô trồng đậu tương bán cho Trung Quốc

Posted by admin

Năm ngoái, ông Gustavo Lopes, một nông dân Brazil, tăng diện tích trồng mía song song với thu hẹp diện tích cánh đồng đậu tương của gia đình. Năm nay, khi thấy thị trường mía đường toàn cầu dư thừa nguồn cung và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang, ông Lopes thôi trồng mía và bắt đầu trồng toàn đậu tương trên diện tích 1.600 hectare nông trại ở bang Sao Paulo.

Sau khi Bắc Kinh áp thuế quan lên đậu tương Mỹ, khách mua từ Trung Quốc ồ ạt tăng mua đậu tương Nam Mỹ. Nhờ đó, ông Lopes bán được đậu tương với giá cao chưa từng thấy.

Dòng chảy thương mại thay đổi đang dẫn tới thay đổi chóng mặt trên những cánh đồng ở Brazil. Trong vòng 2 năm qua, diện tích trồng đậu tương ở nước này đã tăng thêm 2 triệu hectare, trong khi diện tích trồng mía giảm 400.000 hectare – theo thống kê của Chính phủ Brazil.

Nhu cầu tiêu thụ thịt ngày càng lớn của Trung Quốc đã khiến nước này đẩy mạnh nhập khẩu đậu tương làm thức ăn chăn nuôi. Năm ngoái, Trung Quốc chi 20,3 tỷ USD để nhập khẩu 53,8 triệu tấn đậu tương từ Brazil, chiếm gần một nửa sản lượng đậu tương của quốc gia Nam Mỹ này, từ mức 22,8 triệu tấn vào năm 2012.

Mức thuế 25% mà Trung Quốc áp lên đậu tương Mỹ được dự báo sẽ là nhân tố đưa xuất khẩu đậu tương của Brazil lên mức kỷ lục mọi thời đại trong năm nay.

Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm, Brazil xuất khẩu 36 triệu tấn đậu tương sang Trung Quốc, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 7, khi Trung Quốc bắt đầu áp thuế đậu tương Mỹ, xuất khẩu đậu tương của Brazil tăng 46% so với cùng 2017, đạt 10,2 triệu tấn.

Cơn sốt trồng đậu tương có thể đưa Brazil “soán ngôi” quốc gia sản xuất đậu tương lớn nhất thế giới của Mỹ ngay trong năm nay. Trong 5 năm qua, Brazil đã vượt Mỹ về xuất khẩu đậu tương.

Trong khi ngành đậu tương Brazil phát triển, ngành mía đường nước này đang đi xuống trong bối cảnh giá đường thấp nhất trong nhiều năm. Việc Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu mía đường đã gây sức ép lên thị trường mía đường toàn cầu, giữa lúc các quốc gia phát triển cắt giảm tiêu thụ đường.

Ở vùng trồng mía đường thuộc phía Nam Brazil, đã có khoảng 60 nhà máy mía đường phải đóng cửa trong năm 5 năm qua. Hiện còn khoảng 270 nhà máy còn hoạt động, nhưng không thể có đủ nguồn cung mía.

“Nhu cầu đậu tương của Trung Quốc đã thu hút tất cả nông dân”, ông Marcos Cesar Brunozzi, một nông dân ở bang Minas Gerais, cho hay. “Tôi hy vọng là chuyện này sẽ không bất ngờ thay đổi, vì chúng tôi đã đặt cược lớn vào đó”.

Theo ông Lopes, năm ngoái, cánh đồng mía của ông mang lại lợi nhuận ròng 480 Real, tương đương 124 USD, mỗi hectare, so với mức lợi nhuận 2.600 Real mỗi hectare trồng đậu tương.

Vneconomy

Trả lời