Về đầu trang

Nuôi lợn sau “bão giá”: Nguy cơ thiếu hụt nguồn giống

Posted by admin

Doanh nghiệp FDI “lấn sân” nuôi lợn

Năm 2016, HTX Chăn nuôi Hoa Nga (xã Cổ Đạm – Nghi Xuân) chi nhiều tỷ đồng xây dựng chuồng trại trên diện tích gần 5.000 m2 và hệ thống biogas xử lý chất thải quy mô 2.400 m3. Quý I/2017, HTX nuôi 600 nái ngoại. Sau đó không lâu, đối mặt “bão giá”, HTX thiệt hại nặng nề, nợ ngân hàng 9 tỷ đồng. Trong “cơn bĩ cực”, tháng 1/2018, HTX liên kết nuôi nái với Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Golden Star.

Khi người dân khôi phục sản xuất, Hà Tĩnh đối mặt nguy cơ thiếu giống

Trước đây, Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Golden Star chỉ sản xuất thức ăn gia súc. Giá lợn “rớt thảm”, nông dân Hà Tĩnh thua lỗ, ngừng nuôi lợn thì doanh nghiệp khó tiêu thụ. “Đổi bài”, Golden Star “lấn sân” sang chăn nuôi. Hiện, doanh nghiệp FDI này đã ký hợp đồng hợp tác chăn nuôi và kinh doanh lợn nái sinh sản với 5 cơ sở nuôi nái ngoại tại Hà Tĩnh. Bao gồm: HTX Chăn nuôi Quang Minh (Vũ Quang), HTX Chăn nuôi Hoa Nga (Nghi Xuân), HTX Chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Thu Hằng (Kỳ Anh), cơ sở chăn nuôi Huynh Anh (Hương Sơn) và cơ sở chăn nuôi Việt – Thái (Thạch Hà).

HTX Chăn nuôi Hoa Nga (xã Cổ Đạm – Nghi Xuân) đã cho Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Golden Star thuê hạ tầng…

Theo hợp đồng, hai bên cùng hợp tác kinh doanh nuôi nái sinh sản, cung cấp lợn giống trong 10 năm trên cơ sở góp vốn, phân chia kết quả SXKD. Tuy nhiên, quản lý một HTX tiết lộ: “Toàn bộ đất đai, hạ tầng trang trại HTX đã cho công ty thuê lại; đàn nái, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hóa chất HTX cũng bán cho doanh nghiệp. Chủ HTX hiện chỉ là đại diện pháp lý trên giấy tờ, còn mọi hoạt động chăn nuôi do doanh nghiệp chi phối”.

Ông Trần Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết: “Đây là lần đầu Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Golden Star liên kết SXKD lợn nái nên chưa có mô hình thực tiễn để chứng thực hiệu quả. Ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương theo dõi sát sao, tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi hoạt động theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt; tuân thủ nghiêm quy định pháp luật”.

Hiện Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Golden Star sở hữu 5 trại nái “khủng” ở Hà Tĩnh

Nguy cơ thiếu hụt con giống

Tổng đàn lợn của Hà Tĩnh hiện có gần 450 ngàn con với 2 hình thức chăn nuôi tập trung quy mô trên 300 con/lứa với 150 cơ sở chăn nuôi lợn thịt và chăn nuôi nhỏ lẻ nông hộ khoảng 100.000 hộ.

Các cơ sở chăn nuôi tập trung (chiếm 35% tổng đàn) sử dụng giống lợn siêu nạc từ các trại nái 100% máu ngoại, còn các hộ nuôi nhỏ lẻ (chiếm 65%) sử dụng giống lợn lai từ đàn nái của gia đình. Điều đáng nói là, sau “bão giá”, các hộ nuôi nái lai đã thải loại, giảm đàn mạnh nên hiện nay, người chăn nuôi khó tìm được con giống. Khi người dân khôi phục sản xuất thì Hà Tĩnh thiếu giống là tất yếu. Do đó, câu chuyện về quy hoạch chăn nuôi đáp ứng yếu tố cung cầu của thị trường là chuyện đáng bàn của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay.

Điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi đáp ứng yếu tố cung cầu của thị trường là chuyện đáng bàn của các cơ quan quản lý Nhà nước hiện nay.

Trở lại với 5 cơ sở nuôi lợn giống mà Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Golden Star đã sở hữu. Đây là những đơn vị nằm trong kế hoạch xây dựng hệ thống sản xuất giống lợn của tỉnh, phục vụ quá trình phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Các trang trại xây dựng quy mô nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh về đất đai, nguồn vốn, hạ tầng. Tuy nhiên, trong khi các trại nái trên địa bàn loại thải, giảm đàn, Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh bán nái hậu bị cho các “thủ phủ” chăn nuôi thì việc Golden Star cam kết chỉ bán cho tỉnh 30% tổng sản phẩm lợn giống thương phẩm sản xuất hàng năm (khoảng 17.250 con) sẽ ảnh hưởng tới việc cung cấp giống cho các hộ khi Hà Tĩnh khôi phục sản xuất.

“Hiện nay, tình hình chăn nuôi lợn tại Hà Tĩnh bắt đầu “ấm lên”, dự kiến tháng 10 – 11/2018, nguồn cung dồi dào, giá sẽ giảm. Trong khi giá con giống hiện nay cao (1,2 – 1,6 triệu đồng/con), người dân cần thận trọng, tránh tái đàn ồ ạt. Với chức năng của mình, chúng tôi sẽ theo dõi sát sao, hướng dẫn người chăn nuôi về kỹ thuật; nắm thông tin thị trường để khuyến cáo người nuôi có định hướng sản xuất phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, các địa phương cần theo dõi, rà soát tình hình chăn nuôi, quản lý biến động tổng đàn trên địa bàn theo từng thời điểm để điều chỉnh kịp thời quy hoạch sản xuất của địa phương. Người chăn nuôi cũng cần linh hoạt, chủ động, tính toán và liên kết với doanh nghiệp chăn nuôi có tiềm lực để tránh thiệt hại nặng nề trước thị trường bấp bênh như thời gian qua” – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Nguồn : Thu Phương – Báo Hà Tĩnh

 

Trả lời