OPEC+ tiếp tục giảm sản lượng đến hết quý 2, giá dầu có thể bứt phá?
Hai quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu lửa hàng đầu thế giới Saudi Arabia và Nga, cùng với một số thành viên chủ chốt khác của OPEC+, vừa ra quyết định gia hạn kế hoạch tự nguyện cắt giảm sản lượng khai thác dầu cho tới hết quý 2 năm nay.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các nước đồng minh gồm Nga. Giữ vai thủ lĩnh không chính thức của liên minh là Saudi Arabia và Nga.
Thông tấn nhà nước Saudi Arabia (SPA) ngày 3/3 dẫn nguồn tin chính thức từ Bộ Năng lượng nước này cho biết Riyadh sẽ kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng dầu thô tự nguyện, với lượng giảm 1 triệu thùng/ngày, cho đến cuối quý 2. Tuyên bố cho biết sản lượng dầu thô của Saudi Arabia sẽ dao động quanh ngưỡng khoảng 9 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối tháng 6 năm nay.
Về phía Nga, hãng thông tấn nhà nướcTass đưa tin Phó thủ tướng Alexander Novak cho biết nước này sẽ cắt giảm sản lượng dầu thô và lượng xuất khẩu dầu thô tổng cộng 471.000 thùng/ngày cho đến cuối tháng 6. Trong quý 1 này, Nga đã tình nguyện giảm nguồn cung dầu 500.000 thùng/ngày, nhiều hơn so với con số cam kết mà Moscow đưa ra cho quý 2.
Các nhà sản xuất chủ chốt của OPEC là Iraq và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng tự nguyện cho tới hết quý 2, với lượng cắt giảm lần lượt là 220.000 thùng/ngày và 163.000 thùng/ngày – cơ quan thông tấn nhà nước INA của Iraq và WAM của UAE cho biết.
Vào tháng 11 năm ngoái, các nước OPEC+ ra quyết định duy trì chương trình giảm sản lượng chính thức của nhóm, với mức tổng giảm 2 triệu thùng/ngày, cho đến cuối năm 2024.
Ngoài chương trình này, một số thành viên OPEC+, bao gồm Saudi Arabia và Nga, tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày cho đến hết quý 1/2024. Đây là kế hoạch vừa được gia hạn cho tới hết quý 2.
Việc kéo dài kế hoạch cắt giảm sản lượng cho thấy quyết tâm của OPEC+ nhằm đẩy giá dầu tăng, ngay cả khi việc này có thể khiến các nước thành viên trong liên minh mất thị phần vào tay các nhà cung cấp dầu khác, nhất là các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ.
Thông báo cắt giảm sản lượng mới nhất được OPEC+ đưa ra trong bối cảnh giá thế giới đã giằng co trong một phạm vi tương đối hẹp 75-85 USD/thùng từ đầu năm đến nay, bất chấp việc OPEC+ siết chặt nguồn cung, các cuộc tấn công hàng hải dai dẳng của phiến quân Houthi trên tuyến đường Biển Đỏ quan trọng, và nguy cơ lan rộng của cuộc chiến tranh ở dải Gaza giữa Israel và Hamas – lực lượng phiến quân của Palestine có sự hậu thuẫn của Iran.
Áp lực giảm giá đối với dầu thô ở thời điểm này chủ yếu đến từ triển vọng ảm đạm của kinh tế Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Sức ép có thể gia tăng trong những tháng tới, khi các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc bước vào giai đoạn bảo trì hàng năm, cao điểm là trong quý 2, dẫn tới nhu cầu dầu thô đầu vào giảm sút.
Khác với việc thay đổi chính sách sản lượng chính thức, việc cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện trong OPEC+ không yêu cầu phải có sự đồng thuận của tất cả các thành viên trong liên minh tại một cuộc họp chính thức, đồng thời cũng không đòi hỏi phân bổ mức thay đổi sản lượng giữa các thành viên trong liên minh.
Thông thường, các nước OPEC+ không tranh cãi về việc điều chỉnh sản lượng tự nguyện, miễn là những điều chỉnh đó phù hợp với tinh thần của chính sách hiện có. Việc cắt giảm sản lượng tự nguyện mà một số thành viên đang theo đuổi là sự bổ sung vào chính sách giảm sản lượng chính thức hiện có của OPEC+.
Các cuộc thảo luận tiếp theo về chính sách sản lượng của OPEC+ sẽ diễn ra vào tháng 6. Khi đó, các nhà cung cấp dữ liệu bên thứ ba độc lập sẽ hoàn tất đánh giá về mức sản lượng cơ sở của các nước thành viên trong liên minh – căn cứ để xác định hạn ngạch sản lượng dầu của mỗi nước. Mức cơ sở cao hơn dẫn đến giới hạn sản lượng cao hơn, cho phép nước sản xuất dầu tương ứng có được doanh thu lớn hơn từ việc khai thác và bán dầu, nhất là trong môi trường giá dầu cao.
Trong một động thái gây sốc, Saudi Aramco – hãng dầu lửa quốc doanh khổng lồ của Saudi Arabia – hồi cuối tháng 1 tuyên bố đình chỉ kế hoạch dài hạn về tăng công suất sản lượng dầu thô từ 12 triệu thùng/ngày lên 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, hoàng tử Abdulaziz bin Salman, sau đó nói rằng quyết định này xuất phát từ quá trình chuyển đổi xanh của cường quốc dầu lửa vùng Vịnh.
Giá dầu thế giới tăng nhẹ sau khi quyết định gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện của OPEC+ được công bố. Lúc hơn 9h sáng nay (4/3) theo giờ Việt Nam, giá dầu thô Brent giao sau tại London dao động trên ngưỡng 80 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giao sau tại New York đạt gần 84 USD/thùng.
Giới phân tích cho rằng kỳ vọng về việc OPEC+ duy trì việc cắt giảm sản lượng tự nguyện về cơ bản đã được phản ánh hết vào giá dầu. Tuần trước, giá dầu Brent tăng khoảng 2,4% và giá dầu WTI tăng 4,5%.
Bởi vậy, trong ngắn hạn, giá dầu sẽ bị chi phối nhiều hơn bởi các thông tin kinh tế Trung Quốc và diễn biến địa chính trị ở Trung Đông.
Trung Quốc ngày 4/3 đã khai mạc kỳ họp Quốc hội thường niên, trong bối cảnh giới đầu tư toàn cầu kỳ vọng Bắc Kinh sẽ công bố các chính sách kích cầu mới nhằm vực dậy nền kinh tế đang bết bát vì khủng hoảng bất động sản kéo dài và tiêu dùng yếu. Nếu Trung Quốc đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế mạnh tay hơn tại kỳ họp này, giá dầu sẽ tìm được động lực tăng mới.