Tái đàn heo dịp cuối năm: Cần hết sức thận trọng!!!
Bệnh Dịch tả heo châu Phi hiện đã có dấu hiệu “hạ nhiệt” ở nhiều địa phương so với thời gian đầu hoành hành. Giá heo hơi bắt đầu tăng ở cả hai miền do nhu cầu cuối năm lớn và nguồn cung thiếu hụt. Người chăn nuôi đã có những động thái tái đàn dịp cuối năm, nhưng theo khuyến cáo của cơ quan chức năng và nhà khoa học, cần hết sức thận trọng.
Dự báo thị trường heo cuối năm tốt?
Theo ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi, thời gian qua, vào mùa hè nhu cầu tiêu dùng thịt lợn thấp khiến giá thịt heo giảm. Tuy vậy, cuối năm, thị trường thịt heo sẽ diễn biến tốt, giá tăng cao do cầu tiêu dùng thịt lợn tăng và nguồn cung giảm mạnh bởi ASF khiến lượng lớn heo bị tiêu hủy. Hiện tại, tính tới thời điểm ngày 7/8/2019, giá heo hơi ở miền Bắc đạt trên 40.000 đồng/kg; dự báo giá heo tăng cao hơn vào dịp cuối tháng 8 và đầu tháng 9, có thể đạt tới ngưỡng 50.000-55.000 đồng/kg. Đây là mức giá để người chăn nuôi bù đắp lại những thua thiệt trong suốt thời gian qua, khi mà chi phí cho công tác phòng dịch ASF cũng đẩy giá thành sản xuất lên rất nhiều.
Để bù đắp cho việc thiếu hụt nguồn cung thịt heo do bị tiêu hủy do dịch bệnh, Bộ NN&PTNT đã có chủ trương tăng chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ và thủy sản. Cụ thể, 6 tháng đầu năm cho thấy đàn gia cầm tăng 7,5%, gia súc ăn cỏ 2,5 %, cả năm thì gia cầm hoàn toàn có thể tăng tới 15% và gia súc ăn cỏ tăng 6-7%…. Tuy nhiên, theo thói quen tiêu dùng thịt heo không phải một sớm một chiều có thể thay đổi được, vì vậy, bản thân thịt heo phải tự bù cho nó bằng cách tái đàn.
Theo anh Phạm Văn Hùng, chủ trại heo giống ở Kinh Môn (Hải Dương), khi giá heo thịt tăng, người dân đã có tư tưởng tái đàn. Cụ thể, heo giống của anh chưa tăng giá như nhiều công ty khác, nhưng lượng người mua giống đã tăng, heo bán chạy hơn, giúp anh giải phóng lượng đầu con tồn lại từ thời gian trước.
Theo các thương lái, đàn heo tại Đồng Nai đã giảm tới 30-40% so với trước dịch, một phần heo bị tiêu hủy và một phần người chăn nuôi không tái đàn, nên nguy cơ thiếu hụt nguồn heo ra thị trường những tháng cuối năm nay là khó tránh khỏi.
Bệnh Dịch tả heo đã có dấu hiệu hạ nhiệt?
Tại Hà Nội, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, từ đầu tháng 7/2019 đến nay, số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy trên địa bàn Thành phố đã giảm hẳn (khoảng 300 – 800 con/ngày) do mật độ chăn nuôi lợn với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm, người chăn nuôi đã có có nhiều giải pháp chú trọng áp dụng các biện pháp phòng bệnh hiệu quả hơn, đàn lợn đã có miễn dịch tự nhiên.
TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng bộ môn Vi rút (Viện Thú y), cho rằng, ASF sẽ giảm dần cường độ là điều tất yếu. Một là mật độ đàn lợn hiện nay đã giảm một phần do ảnh hưởng của dịch, hai là việc triển khai phòng chống của người chăn nuôi đã được siết chặt sau thời gian dịch diễn ra.Tuy nhiên về mặt lí thuyết, bất kể dịch bệnh nào, dù là dịch bệnh trên người hay động vật, đều có quy luật diễn biến theo mô hình đồ thị của “chuyển động quả lắc đơn”, nghĩa là sau giai đoạn đầu bùng phát ồ ạt, sẽ dần dần tiến tới giảm dần, nếu không thanh toán được triệt để thì sẽ trở thành dịch địa phương.
Bên cạnh đó, ngay trong vùng dịch, không phải tất cả đều bị tiêu diệt, mà vẫn có những tỉ lệ sống sót nhất định qua dịch mà đôi khi khoa học chưa thể giải thích được.
Virus ASF là một thực thể sống, và ký sinh trên lợn. Vì thế về mặt sinh tồn tự nhiên, không có một sinh vật nào lại tiêu diệt hoàn toàn vật chủ mà chúng ký sinh, bởi nếu tiêu diệt hoàn toàn vật chủ, thì chúng sống ở đâu!? Dịch tả lợn cổ điển bùng phát từ năm 1885, dĩ nhiên sau này đã có vacxin phòng bệnh, nhưng chúng cũng đều diễn biến theo mô hình “chuyển động quả lắc đơn” và giảm dần dần.
Còn PGS.TS. Nguyễn Bá Hiên – Khoa Thú y – Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, ASF giống như giặc vào mới nhà ta, ban đầu ta không có tí vũ khí nào, không có sự đề phòng nó cứ bắn, cứ giết vì vậy, thời gian đầu gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi trên cả nước. Sau một thời gian, khi người chăn nuôi có kinh nghiệm trong phòng chống dịch và miễn dịch quần thể động vật tăng lên thì ASF giảm đi là điều tất yếu.
Tái đàn: Cần hết sức thận trọng!
Tại Hà Nội, cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, hiện Hà Nội đã có chỉ đạo việc tái đán phải đảm bảo mục tiêu phát triển nhưng an toàn dịch bệnh. Không tái đàn ở các cơ sở xảy ra dịch chưa đủ điều kiện, trước khi tái đàn phải đảm bảo khử trùng tiêu độc và thực hiện nghiêm túc việc
khai báo với chính quyền địa phường, trường hợp không khai báo khi xảy ra dịch bệnh sẽ bị xử lý vi phạm hành chính và sẽ không hỗ trợ theo quy định.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, virus bệnh Dịch tả heo châu Phi (ASFV) có thể tồn tại trong chuồng trại bị vấy nhiễm ít nhất 1 tháng. Ngoài ra, ASFV cũng có thể tồn tại ở máu trong thanh gỗ với thời gian 70 ngày. Do đó, khi chuồng trại bị vấy nhiễm ASFV rất khó để tiêu diệt hoàn toàn mầm bệnh. Nếu người chăn nuôi thực hiện vệ sinh, sát trùng không đúng kỹ thuật, mầm bệnh có thể tồn tại và lây bệnh cho lứa sau. Vì vậy, cần tăng cường vệ sinh, tiêu độc sát trùng toàn bộ trang thiết bị, dụng cụ, chuồng trại và xung quanh chuồng nuôi liên tục trong vòng 1 tháng sau khi tiêu hủy toàn đàn heo nhằm ngăn chặn ASF tái bùng phát.
Tạp chí chăn nuôi Việt Nam