Về đầu trang

Tăng kịch trần thuế môi trường với xăng dầu: Áp lực tăng giá hàng hóa

Posted by admin

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về việc tăng biểu thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/1/2019. Theo đó, thuế môi trường đối với xăng được tăng kịch trần lên mức 4.000 đồng/lít (mức cũ là 3.000 đồng/lít).

Thuế môi trường đối với dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít. Theo tính toán, số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm.

Về vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp ghi nhận quan điểm của một số chuyên gia.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính): Tăng thuế phí là hạ sách

Xăng dầu là mặt hàng quan trọng, là đầu vào và đầu ra của rất nhiều ngành. Những năm vừa qua, Việt Nam kiểm soát được lạm phát cũng một phần nhờ giá xăng dầu giảm xuống.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định việc tăng thuế phí là hạ sách.

Tăng thuế phí là hạ sách bởi phải nuôi dưỡng nguồn thu mới có hiệu quả lâu dài. Trong thu phải có nhiều loại thu chứ không nhằm vào một mặt hàng như xăng dầu. Ngoài ra, các đánh giá về tác động của tăng giá xăng dầu mới là thông tin một chiều từ Bộ Tài chính, chưa có cơ quan độc lập khảo sát, đối chiếu khó tạo sự thuyết phục. Trước đó, nhiều lần Bộ Tài chính đưa số liệu nhưng cơ quan độc lập kiểm chứng và chưa chính xác với thực tế.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Chưa phải thời điểm thích hợp để tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Đây không phải là thời gian thích hợp để tăng thuế môi trường với xăng dầu. Bởi khi thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng thì từ hạt gạo, mớ rau, con cá tới quả trứng đều tăng theo, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Việc tăng thuế này trước mắt chưa có tác động ngay nhưng chỉ sau khoảng 3 tháng toàn bộ nền kinh tế sẽ có tác động tiêu cực bởi tất cả các sản phẩm đều có chi phí vận tải trong khi dịch vụ từ máy bay ô tô, các loại tàu đều sẽ tăng chi phí theo giá xăng.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.

Giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo chi phí vận tải, bốc xếp tăng. Điều này lại đi ngược với chỉ đạo giảm chi phí Logistic xuống 50% của Thủ tướng chính phủ. Nhìn rộng ra, chi phí và giá sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam trở nên đắt đỏ, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: Đẩy giá cước vận tải tăng.

Thời gian gần đây, giá xăng dầu đang có chiều hướng tăng, nhưng doanh nghiệp vận tải vẫn “ghìm giá” cước, chưa tăng giá. Tới đây, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng thì sẽ rất khó khăn cho ngành vận tải, bởi tăng giá xăng dầu chính là trực tiếp đẩy giá cước dịch vụ vận tải tăng.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô.

Nhiên liệu chiếm tỷ trọng khoảng 40% trong giá thành. Nếu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng lên thì giá thành vận tải sẽ tăng. Giá cước chắc chắn sẽ bị đội lên, kể cả giá cước xe khách, taxi và đặc biệt là giá cước hàng hóa. Điều này sẽ ảnh hưởng tới đầu vào của nhiều ngành kinh tế khác, đồng thời, hàng hóa tiêu dùng cũng sẽ bị đẩy giá lên.

Hơn nữa, trong cơ cấu giá thành, nếu thuế đánh vào xăng dầu tăng 10% thì cước vận tải sẽ tăng 3-4%. Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng sẽ tạo ra nhiều tiêu cực hơn là tích cực. Hiện Hiệp hội cũng khuyến cáo các doanh nghiệp thành viên không tăng giá cước tùy tiện, nhưng chắc chắn sau khi giá xăng tăng, hoặc là doanh nghiệp sẽ tăng giá cước hoặc sẽ tìm cách chở quá tải để bù lỗ.

Nguồn : Báo Kinh Doanh và Pháp Luật

 

Trả lời