Thị trường heo hơi (21/6): Thịt heo toàn cầu năm 2018 sẽ vẫn tăng dù nhiều nơi đã khốn khổ vì dư cung
Theo dự báo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng thịt heo toàn cầu trong năm 2018 sẽ tăng 1,8% so với năm ngoái lên 113,07 triệu tấn. Trong đó, sản lượng tại Trung Quốc tăng 2,3% lên 54,75 triệu tấn và tại Việt Nam tăng 0,9% lên 2,775 triệu tấn.
Một số quốc gia dự báo có mức tăng trưởng mạnh về sản lượng thịt heo trong năm nay như Mỹ (tăng 4% lên 12,188 triệu tấn), Mexico (tăng 3,5% lên 1,480 triệu tấn) và Philippines (tăng 3,2% lên 1,635 triệu tấn).
Chỉ riêng Liên minh châu Âu và Nhật Bản được cho là sẽ giảm sản lượng thịt heo trong năm nay. Trong đó, sản lượng thịt heo tại Liên minh châu Âu dự báo giảm 0,2% về 23,35 triệu tấn và tại Nhật Bản giảm 0,4% về 1,27 triệu tấn.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc vẫn là quốc gia sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới. Theo sau là Liên minh châu Âu, Mỹ, Brazil và Nga. Việt Nam là nguồn cung thịt heo lớn thứ 6 thế giới.
Giá thịt heo thế giới dự báo vẫn sẽ ở mức thấp vì nguồn cung tại các nước sản xuất lớn vẫn trên đà tăng. Đây là điều đáng lo ngại vì trong khoảng hai năm trở lại đây, ngành chăn nuôi nhiều nước đã khốn đốn vì tình trạng dư cung mà rõ ràng nhất là ở Việt Nam và Trung Quốc. Mới đây, Australia cũng lên tiếng cảnh báo tình trạng dư thừa thịt heo.
Mỹ cũng có thể phải đối mặt với tình trạng dư thừa thịt heo trong tương lai vì chính sách thuế khắc nghiệt của Tổng thống Donald Trump với đồng minh và nhiều quốc gia khác.
Giá heo hơi thị trường trong nước hôm nay: Ổn định ở cả 3 miền
Ông Nguyễn Công Bắc – chủ trang trại lợn ở Sơn La cho biết: Khoảng 1 tuần trở lại đây, giá heo hơi trên địa bàn Sơn La dao động ổn định trong khoảng 48.000-49.000 đồng/kg. Mức giá này tuy ổn định trong khoảng 1 tuần qua, song so với tháng trước thì đã giảm 2.000 đồng/kg.
Ông Bắc cho hay: Thời gian này đang cao điểm hè nắng nóng, người dân thường giảm nhu cầu ăn thịt mà thay vào đó là ăn rau xanh nhiều. Bên cạnh đó, tháng 6 đang thời điểm nghỉ hè, học sinh các trường đều nghỉ học, chính vì thế nhu cầu tiêu thụ thịt giảm, dẫn đến giá lợn giảm nhẹ.
“Tuy giá lợn giảm nhưng nguồn cung trên địa bàn Sơn La khá khan hiếm. Thời điểm này, hầu hết các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều bỏ chuồng, chỉ có những chủ trang trại như gia đình tôi hoặc các doanh nghiệp mới duy trì được đàn lợn” – ông Bắc thông tin.
Còn tại Hà Tĩnh, ông Phạm Văn Cảnh – Giám đốc HTX Chăn nuôi Hợp Lực ở huyện Cẩm Xuyên cho biết, thị trường giá heo hơi ít biến động, giá heo hơi hôm nay 21/6 đạt 49.000-50.000 đồng/kg (tùy theo heo đẹp hay heo xấu). Giá heo hơi tuy có giảm nhiệt nhẹ so với tháng 5, nhưng đây vẫn là mức giá cao kỷ lục đối với người chăn nuôi khi trải qua gần 2 năm giá lợn xuống thấp.
“Bắt đầu từ tháng 11.2016 đến đầu năm 2018, thấy giá heo hơi giảm liên tục, tôi đã giảm quy mô đàn lợn từ 500 nái, hơn 3.000 lợn thịt xuống còn 300 nái và hơn 2.000 lợn thương phẩm. Không chỉ tôi mà nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và các chủ trang trại, HTX chăn nuôi cũng giảm đàn.
Hiện trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm đến 80% đàn lợn, còn các chủ trang trại, HTX doanh nghiệp giảm từ 20 – 30% tổng sổ đàn lợn so với cùng kỳ năm ngoái. Chính vì vậy, thời điểm này giá lợn hơi vẫn tốt là 49.000 – 50.000 đồng/kg nhưng người nuôi không được hưởng lợi. Thực tế, lượng lợn trong dân có rất ít, nhiều hộ đã bỏ nghề chăn nuôi do thua lỗ trong suốt thời gian dài, không thể cầm cự được” – ông Cảnh nói.
Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Đồng Nai, đến cuối tháng 5/2018, tổng đàn lợn trên địa bàn Đồng Nai là hơn 2,2 triệu con; trong đó, doanh nghiệp chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài có 1,2 triệu con (chiếm trên 50% tổng đàn), số còn lại thuộc về doanh nghiệp chăn nuôi trong nước, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Từ cuối năm 2016 giá lợn hơi bắt đầu lao dốc, đến tháng 5/2018 mới tăng trở lại, hiện đã đạt khoảng 47.000 đồng/kg. Trong thời gian lợn hơi rớt giá thê thảm (có lúc còn 15.000 đồng/kg), người chăn nuôi trong nước đối mặt rất nhiều khó khăn, không còn khả năng cầm cự.
Các doanh nghiệp FDI điều hành chăn nuôi như thế nào?
Theo khảo sát của ngành nông nghiệp Đồng Nai, đến đầu năm 2018, hàng trăm hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (quy mô dưới 100 con) đã phải treo chuồng, ngưng nuôi lợn vì không còn vốn. Tuy nhiên, giá lợn xuống thấp không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp chăn nuôi FDI, bởi các doanh nghiệp này có tiềm lực mạnh, nuôi theo chuỗi, tự túc được con giống, thức ăn, điều này giúp họ giảm giá thành.
Ông Trần Văn Quang khẳng định, tổng đàn lợn ở Đồng Nai hiện vẫn ở mức cao, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, trong gần 2 năm giá lợn xuống thấp, người chăn nuôi nhỏ lẻ phá sản, treo chuồng nhưng doanh nghiệp FDI vẫn tăng đàn. Đây là chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Đàn lợn ở Đồng Nai tăng được chứng minh qua số liệu nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu phục vụ chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Ngọc An – Tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), giá heo hơi tăng rất cao, gần như gấp đôi so với cách nay không lâu, trước hết là do mất cân đối cung cầu. Trước đây, cung nhiều hơn cầu dẫn đến giá thấp nhưng bây giờ thì ngược lại, khiến giá bị đẩy lên.
Nguyên nhân là tổng đàn heo bị giảm, do thời gian qua, cung quá nhiều, giá bán thấp nên người nuôi giảm đàn, dẫn đến sản lượng heo suy giảm. Để tái tạo đàn, cần khoảng một năm. Như vậy, giá thịt heo còn tiếp tục tăng.
Với việc heo hơi tăng giá quá cao, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá thị trường trên địa bàn TP.HCM buộc phải điều chỉnh giá bán thịt heo đến tay người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Ngọc An cũng nhìn thẳng vào vấn đề khi cho rằng, thời gian ngắn vừa qua giá heo hơi tăng đột biến còn do yếu tố tâm lý cũng như hành động của các nhà chăn nuôi heo chiếm thị phần lớn. Những nhà chăn nuôi nào có thị phần từ 30% trở lên, về mặt lý thuyết, có thể làm giá, nên không loại trừ khả năng này.
“Người ta làm giá bằng cách nào? Họ sẽ đưa ra thị trường nguồn cung hạn chế, và khi đó giá bắt buộc phải nâng lên. Và khi những doanh nghiệp độc quyền có động thái này thì tác động ngay đến các nhà chăn nuôi nhỏ lẻ khác. Những người này cũng sẽ găm hàng lại vì biết chắc ngày mai giá lên. Nhiều nhà chăn nuôi có cùng hành động ấy dẫn đến giá thịt heo vừa qua tương đối “ảo”.
Theo ông Nguyễn Ngọc An, các doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế trên thị trường thịt heo chính là do cách tổ chức chăn nuôi bài bản, xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ cung cấp thức ăn, con giống, thiết lập trang trại, xây dựng nhà máy chế biến và mạng lưới phân phối. Bằng cách làm này, nếu nhìn về Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, có thể hiểu tại sao doanh nghiệp này chiếm thị phần lớn về heo tại Việt Nam.
Trong ngành chăn nuôi, giá thành thức ăn chiếm tới 65 – 70%, nên ngay khi vào Việt Nam, CP đã đầu tư mạnh vào sản xuất thức ăn chăn nuôi và đánh chiếm thị phần này trước. Khi có tiềm lực mạnh, CP xây dựng các trại heo giống, đẩy mạnh nuôi heo thịt. CP còn xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp bằng hình thức mở cửa hàng để phân phối trực tiếp các sản phẩm từ heo.
Bằng cách đầu tư khép kín, chăn nuôi quy mô lớn nên CP đạt được mức giá thành sản xuất thấp, vì thế thị trường có biến động ra sao thì CP vẫn kinh doanh tốt.
Theo ông Nguyễn Ngọc An, để ngành chăn nuôi heo thoát khỏi tình cảnh giá giảm phải “giải cứu”, giá tăng thì nông dân không được hưởng lợi, các cơ quan quản lý nhà nước phải hoạch định lại ngành chăn nuôi với sản lượng tối ưu.
Chẳng hạn, nếu sản lượng heo vượt qua nhu cầu thì cần khống chế để cho cung cầu thị trường cân đối, tránh trường hợp như nông sản được mùa thì mất giá. Đồng thời, Cục Chăn nuôi cần nhanh chóng thành lập bộ phận thu thập và phân tích thông tin thị trường để cung cấp cập nhật cho người chăn nuôi.