Thị trường heo hơi 9/5: Phục hồi vào ngày mai?
Giá heo hơi tiếp tục đà giảm trên diện rộng
Giá heo hơi miền Bắc hôm nay biến động không đồng nhất, có nơi ghi nhận mức giảm 1.000 đồng/kg nhưng có nơi lại tăng trong khoảng 1.000 – 1.500 đồng/kg như Thái Nguyên, Thái Bình. Giá dao động của khu vực này trong khoảng 30.000 – 36.000 đồng/kg.
Giá heo hơi miền Trung, Tây Nguyên hôm nay giảm mạnh nhất đến 4.000 đồng/kg, giá dao động trong khoảng 33.000 – 40.000 đồng/kg.
Giá heo hơi miền Nam cũng giảm khá sâu đến 3 giá, xuống còn 34.000 – 39.000 đồng/kg. TP HCM là địa phương có mức giảm ít nhất, giảm 1.000 đồng xuống còn 38.000 đồng/kg.
Theo trang zhujiage, giá heo hơi tại Trung Quốc tiếp tục giảm nhẹ so với ngày hôm qua xuống 15,08 nhân dân tệ/kg (tương đương 52.000 đồng/kg), dù số tỉnh tăng giá đã nhiều hơn, nhưng khu vực giảm giá vẫn chiếm ưu thế.
Cụ thể, trong số các tỉnh công bố dữ liệu có 13 tỉnh tăng giá, còn lại là giảm giá hoặc không thay đổi so với ngày hôm trước. Trong đó, biên độ tăng của giá heo hơi ghi nhận ở mức 0,02 – 0,5 nhân dân tệ/kg; còn biên độ giảm là 0,01 – 0,4 nhân dân tệ/kg.
Hiện tại, giá heo hơi cao nhất cả nước là tại Chiết Giang, bình quân đạt 16,67 nhân dân tệ/kg (tương đương 57.534,4 đồng/kg); mức giá thấp nhất vẫn tại Tân Cương, trung bình đạt 10,97 nhân dân tệ/kg (khoảng 37.861,57 đồng/kg).
Mỹ lo ngại dịch tả heo châu Phi tàn phá ngành công nghiệp thịt heo
Theo số liệu thống kê, có it nhất 129 trường hợp nhiễm dịch tả heo châu Phi (ASF) tại Trung Quốc đã được báo cáo kể từ tháng 8/2018 và dịch bệnh đã lây lan sang các khu vực lân cận tại châu Á.
Hiện, Bắc Kinh (Trung Quốc) vẫn chưa tiết lộ số lượng heo bị tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi, tuy nhiên Rabobank ước tính có đến 200 triệu con heo đã bị ảnh hưởng và sản lượng thịt heo có thể giảm 30%. Tại Mỹ, số lượng heo đạt tổng cộng 75 triệu con.
Theo đó, nhiều chuyên gia của Mỹ tỏ ra lo ngại rằng, thức ăn chăn nuôi có thể mang mầm bệnh của dịch tả heo châu Phi, trong khi Mỹ đang sử dụng vitamin và khoáng vi lượng từ nhà sản xuất Trung Quốc để nuôi đàn heo. Điều này có thể tàn phá ngành công nghiệp thịt heo trị giá hơn 20 tỉ USD của Mỹ.
Cùng với thức ăn bị nhiễm dịch, các chuyên gia cho rằng dịch tả heo châu Phi có thể lây lan từ chất thải và thịt của heo cũng như từ heo rừng và động vật ăn rác chưa nấu chín.
Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa cấm nhập khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật từ Trung Quốc, tuy nhiên một số chuyên gia đã khuyến nghị cách li đối với thức ăn nhập khẩu ít nhất 20 ngày trước khi sử dụng.
Dịch tả heo châu Phi xâm nhập Đồng Nai, thông tin chính thức được xác nhận
Theo báo Thanh niên, ngày 8/5, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, chính thức xác nhận dịch tả heo châu Phi đã vào Đồng Nai từ ngày 24/4, có 4 điểm trên 4 xã của huyện Trảng Bom và huyện Nhơn Trạch phát hiện heo nhiễm bệnh.
Thông tin này đã làm rõ “mâu thuẫn” giữa chia sẻ từ đại diện UBND tỉnh và văn bản Quyết định công bố của huyện Trảng Bom trước đó.
Cụ thể, vào ngày 7/5, ông Phạm Việt Phương, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, dịch tả heo châu Phi chưa xâm nhập vào địa bàn tỉnh.
Trong khi đó, chỉ trước đó 3 ngày, tức ngày 4/5, UBND huyện Trảng Bom đã có văn bản công bố dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại địa bàn xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai từ ngày 25/4.
Trong văn bản nêu rõ, các vùng dịch trên địa bàn huyện Trảng Bom được xác định gồm: vùng bị uy hiếp trong phạm vi 3 km xung quanh ổ dịch các xã Tây Hòa. Vùng giám sát dịch bệnh là trong phạm vi 10 km xung quan ổ dịch các xã, thị trấn còn lại của huyện.
Thông tin xác nhận này của đại diện UBND tỉnh Đồng Nai cũng “giải tỏa” được tâm lí hoang mang, lo ngại của người chăn nuôi và người tiêu dùng về việc dịch bệnh sẽ lay lan trên diện rộng, bởi theo ông Chánh, lực lượng chức năng đã khoanh vùng, xử lí triệt để các điểm dịch ngay sau khi phát hiện. Các địa phương đang làm thủ tục theo quy định để hỗ trợ người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy.
Cụ thể, theo Quyết định, chính sách hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi gây ra của UBND tỉnh Đồng Nai ban hành, có 5 mức hỗ trợ cho người chăn nuôi như sau: heo con theo mẹ: 300 nghìn đồng/con; heo cai sữa đến dưới 2 tháng tuổi: 500 nghìn đồng/con; heo thịt từ 2 – 4 tháng tuổi: 2 triệu đồng/con; heo thịt, heo giống hậu bị trên 4 tháng tuổi: 3 triệu đồng/con.
Riêng mỗi con heo nái, heo đực giống đang khai thác sẽ nhận mức hỗ trợ cao nhất là 4,5 triệu đồng/con.
Giá heo thương phẩm tại các chợ vẫn ổn định, người tiêu dùng không quá e dè với thịt heo
Ghi nhận thực tế của người viết tại các chợ của vùng công bố có dịch như chợ Trảng Bom, chợ Quảng Biên… thuộc huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai ngày 8/5 cho thấy, giá thịt heo vẫn khá ổn định.
Cụ thể, giá thịt heo ba rọi dao động trong khoảng 65.000 – 80.000 đồng/kg, giá thịt heo đùi dao động trong khoảng 70.000 – 90.000 đồng/kg, giá thịt sườn khoảng 80.000 – 85.000 đồng/kg…. Mức giá này được người bán chia sẻ không quá thay đổi trong mấy ngày qua.
Với giá bán không biến động, không khí mua bán tại các sạp bán thịt heo theo đó vẫn khá sầm uất, người tiêu dùng vẫn rất mặn mà với sản phẩm thiết yếu này.
Tại các sạp thịt, khi được hỏi giá thịt heo có giảm hơn so với mấy ngày trước không, một bà nội trợ vừa mua nửa kí thịt ba rọi với giá 70.000 đồng/kg cho biết ngày nào đi chợ chị cũng mua thịt heo và hiện giá vẫn thay đổi dù có nghe thông tin giá heo hơi giảm ở vài nơi vì dịch tả heo châu Phi.
Chủ một sạp thịt tại chợ Quảng Biên (Đồng Nai) cho biết, những ngày qua giá heo hơi có biến động nhẹ nhưng giá bán lẻ tại chợ vẫn giữ ổn định. Tâm lí người mua vẫn yên tâm với thịt heo có dấu vệ sinh thú ý và dấu kiểm soát giết mổ tại chợ.
Theo ghi nhận của người viết, tại Đồng Nai, giá heo hơi ngày 8/5 vẫn dao động trong khoảng 34.000 – 38.000 đồng/kg tuỳ từng khu vực, mức giá này vẫn tương đương giá của ngày hôm trước (7/5).
Theo số liệu thống kê, tổng đàn heo của Việt Nam đạt gần 55 triệu con, thịt heo không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà đây còn là sản phẩm mang lại dinh dưỡng cao cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, không ít người tiêu dùng lại lựa chọn “tẩy chay” thịt heo vì ngại mua nhầm heo mắc bệnh. Điều này sẽ ảnh hưởng khá lớn đến ngành chăn nuôi, nhất là người chăn nuôi.
Trong khi đó, hiện nay, rất nhiều người tiêu dùng “bắt kịp xu thế” bằng việc cập nhật thông tin khá nhanh chóng và chính xác từ cơ quan chức năng cũng như các phương tiện truyền thông, do đó, việc sử dụng thịt heo đúng cách, an toàn là việc không hề khó đối với những bà nội trợ “thông minh”.
“Gia đình tôi hàng ngày vẫn sử dụng thịt heo trong các bữa cơm. Ăn chín uống sôi và không nên ăn thịt heo tái, tiết canh heo vào thời điểm này là có thể phòng tránh được tác hại của dịch bệnh”, một bà nội trợ đang mua thịt nói.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng