Thị trường heo hơi (9/8): Miền Bắc điều chỉnh đến mức nào là hợp lý?
Dự báo giá heo hơi (9/8)
Ghi nhận từ thị trường cho thấy, giá heo hơi không biến động trên cả nước. Trong đó, miền Bắc đang được thu mua trong mức 52.000 – 55.500 đồng/kg; miền Trung, Tây Nguyên đạt khoảng 47.000 – 55.000 đồng; trong khi tại miền Nam giá heo đạt 46.000 – 51.000 đồng/kg.
Đợt sốt giá gần đây tại miền Bắc, với giá heo có thời điểm lên tới 57.000 đồng tại một số địa phương đã giúp người chăn nuôi thu lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, mức giá trên 55.000 đồng và kéo dài tiền ẩn nhiều rủi ro vì sẽ làm tăng chỉ số tiêu dùng, và có thể khiến người dân tái đàn ồ ạt.
Ngoài ra, theo báo cáo của genesus, tính đến ngày 19/7, giá heo hơi của Việt Nam vẫn đắt thứ hai trên thế giới (92,44 US cent/pound), sau Hàn Quốc. Nếu giá heo tiếp tục tăng mạnh, nới rộng chênh lệch giữa giá thế giới và nội địa thì có thể tạo cơ hội cho thịt heo nước ngoài xâm nhập thị trường Việt Nam.
Vì vậy, theo ông Dương, với giá thành hiện vào khoảng 38.000 – 40.000 đồng/kg, giá heo tốt nhất nên duy trì trong mức 45.000 – 50.000, để người chăn nuôi vừa có lợi và người tiêu dùng chấp nhận được.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, giá heo hơi trung bình tăng nhẹ trở lại lên 13,33 nhân dân tệ/kg (khoảng 45.500 đồng/kg), với 19 tỉnh báo giá heo tăng, 4 tỉnh giảm giá, còn lại An Huy, Phúc Kiến và Thẩm Tây ghi nhận giá không đổi so với ngày hôm qua.
Hiện, giá heo hơi cao nhất cả nước là tại Chiết Giang, trung bình tăng 0,1 nhân dân tệ so với ngày hôm qua lên 14,18 nhân dân tệ/kg (tương đương 48.404,09 đồng/kg); còn mức giá thấp nhất là tại Hắc Long Giang, trung bình tăng 0,03 nhân dân tệ lên 12,28 nhân dân tệ/kg (khoảng 41.922,32 đồng/kg).
Bên cạnh đó, báo cáo từ Rabobank cho biết, cuộc chiến thương mại kéo đang tiếp diễn với Mỹ đang dẫn tới sự bất ổn trên ngành thịt heo Trung Quốc. Thuế quan cao hơn đối với nguyên liệu đầu vào như đậu nành, có thể gia tăng áp lực chi phí và dẫn tới sự biến động tại các trang trại. Điều này có thể khiến các trang trại chăn nuôi lớn làm chậm quá trình mở rộng, trong khi thúc đẩy các trang trại nhỏ rời khỏi thị trường sớm hơn dự kiến.
Vì vậy, nguồn cung heo có thể biến động nhiều hơn, với giai đoạn thừa cung và thiếu hụt. Trong khi đó, dù chính phủ đã cảnh báo về dịch virus mới gây bệnh mụn nước được gọi là Senecavirus A, nhưng vì chưa nó đợt bùng phát nghiêm trọng nào được báo cáo, rủi ro sẽ gia tăng nếu người chăn nuôi giảm các biện pháp an ninh sinh học để tiết kiệm chi phí.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn cũng khuyến cáo, người chăn nuôi nên thận trọng khi tái đàn lúc này, không nên vào đàn ồ ạt để tránh đi vào “vết xe đổ”, cung vượt cầu như đã từng diễn ra. Đều quan trọng nhất là bà con cần giữ đàn lợn ổn định và tranh thủ cơ hội này làm tốt công tác thú y, đẩy mạnh chăm sóc để nâng cao năng suất, giảm chi phí nhằm thu lợi nhuận cao nhất.
Rủi ro như… đánh bạc
Theo anh Nguyễn Văn Luật, giá lợn giống tăng, thức ăn tăng nên tổng chi phí để nuôi lợn đạt trọng lượng 100kg hiện khoảng 4,2 – 4,3 triệu đồng, chưa kể thuốc thú y, điện nước, công chăm sóc, nhất là rủi ro lợn mắc bệnh và chết. Do đó, rủi ro cho người nuôi hiện rất lớn nếu đến thời điểm xuất chuồng, giá lợn hơi không còn cao nhưng hiện nay.
Đặc biệt, hiện nay người chăn nuôi rất thiếu thông tin về thị trường, cũng như không có sự kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến. Các khâu sản xuất của bà con gần như phụ thuộc vào thương lái.
Ông Nguyễn Công Bắc – chủ trang trại ở phường Chiềng Sinh (TP.Sơn La, tỉnh Sơn La) thông tin, thời điểm này nhiều hộ chăn nuôi cũng rậm rịch vào đàn, tuy nhiên không nhiều.
“Hiện trang trại tôi nuôi 800 nái, bình quân mỗi tháng số lợn nái này sinh sản từ 1.700 – 1.800 lợn giống. Bên cạnh lợn nái, tôi cũng đang nuôi hơn 3.000 con lợn thương phẩm. Nếu như 2 tháng trước, tôi chỉ bán ra khoảng 500 con lợn giống/tháng (chiếm gần 30% số lợn giống của trại) thì tháng 7 vừa qua, tôi bán được gấp đôi, giá từ 1,4 – 1,6 triệu đồng/con”.
Ông Bắc cho rằng, do sợ gặp phải thua lỗ như năm ngoái nên người chăn nuôi địa phương cũng chỉ dám tái đàn nhỏ giọt. “Trước đây, người chăn nuôi tái đàn 400 – 500 con/đợt thì nay họ chỉ dám tái đàn chưa đến 100 con/đợt” – ông Bắc nói.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Sơn La cho biết: “Hiện tổng đàn lợn trên địa bàn là 585.169 con, trong đó lợn thịt 499.365 con. So với cùng kỳ năm 2017 tổng đàn lợn giảm 4,5% (27.868 con), lợn thịt giảm 3,5% (16.162 con). Trong số 266 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, hiện chỉ có 15 trang trại lợn.
Ông Toàn nói: “Do giá lợn hơi xuống thấp trong thời gian dài nên rất nhiều nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn đã phải bỏ trống chuồng, tạm ngừng chăn nuôi. Hiện nay, lượng lợn thương phẩm trên địa bàn Sơn La chủ yếu được cung cấp từ các công ty, trang trại lớn”.