Thị trường heo hơi hôm nay 20/3: Giảm chủ yếu tại hai miền Trung – Nam
Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc giảm tại một vài nơi
Theo đó, tại Hà Nội, giá heo hơi giảm tới 2.000 đồng/kg xuống 36.000 đồng/kg; Lào Cai giảm thêm 1.000 đồng xuống 40.000 đồng/kg. Các địa phương khác giá heo hơi không thay đổi so với ngày hôm qua, dao động trong khoảng 34.000 – 36.000 đồng/kg.
Về tình hình dịch tả heo châu Phi (ASF), chiều 19/3, tại bản Đông Phong, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, Cơ quan chức năng huyện Tam Đường phối hợp với Chi cục thú y tỉnh Lai Châu tổ chức tiêu huỷ 117 con heo được xác định nhiễm virus gây tử vong gần như 100% ở heo.
Đây là ổ dịch ASF đầu tiên trên địa bàn này.
Như vậy, trong vòng 1 tháng, dịch ASF đã nhanh chóng lây lan tới 20 tỉnh thành trên cả nước, toàn bộ tại hộ chăn nuôi heo qui mô nhỏ, lẻ. Các tỉnh này gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh và Lai Châu.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Trung, Tây Nguyên giảm tới 6.000 đồng/kg
Cụ thể, Thừa Thiên Huế là địa phương ghi nhận mức giảm này, với giá heo hơi xuống còn 38.000 đồng/kg. Tại Hà Tĩnh, giá heo cũng báo giảm tới 4.000 đồng xuống 32.000 đồng/kg; Quảng Trị giảm 3.000 đồng xuống 41.000 đồng/kg.
Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk đồng loạt giảm 2.000 đồng, với Quảng Bình xuống 35.000 đồng/kg; các địa phương khác còn 40.000 đồng/kg. Bình Thuận cũng báo giá heo giảm 2.000 đồng/kg xuống 41.000 đồng.
Giá heo hơi tại Nghệ An giảm ít hơn, khoảng 1.000 đồng, xuống 39.000 đồng/kg. Đợt điều chỉnh ngày hôm nay đẩy giá heo hơi trung bình tại khu vực xuống còn khoảng 40.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam cũng trên diện rộng
Theo ghi nhận, giá heo hơi tại Vũng Tàu giảm nhiều nhất, 4.000 đồng/kg xuống 40.000 đồng. Tiền Giang, Bạc Liêu cũng báo giá heo giảm tới 2.000 đồng xuống lần lượt 43.000 đồng và 45.000 đồng/kg.
Tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang giá heo hơi giảm 1.000 đồng xuống còn 42.000 – 45.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại khu vực đã giảm sâu trong thời gian qua xuống còn 40.000 – 45.000 đồng/kg.
Tại chợ đầu mối TP HCM, lượng heo về chợ trong ngày 19/3 đạt 4.630 con và tình hình buôn bán của thương lái vẫn ảm đạm.
Eurocham khuyến nghị truy xuất nguồn với sản phẩm chăn nuôi
Theo Sách trắng 2019 của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực chăn nuôi lợn hiện nay cho thấy lộ trình phát triển ngành theo định hướng sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn và bền vững đang gặp “khá nhiều thách thức”.
“Chúng tôi cho rằng việc tái cấu trúc ngành là hết sức quan trọng”, trích Sách Trắng.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, sự bùng phát dịch tả heo châu Phi có thể dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung trong thời gian tới.
Hiện nay, dù Luật An toàn Thực phẩm đã quy định nhưng vẫn chưa có hệ thống truy xuất nguồn gốc bắt buộc. Gần đây, có một số hệ thống truy xuất nguồn gốc “tự nguyện” được thiết lập tại địa phương đối với sản phẩm trứng và rau quả. Tuy nhiên, theo quan điểm của Eurocham, Chính phủ nên bắt đầu áp dụng các hệ thống truy xuất theo hướng “bắt buộc”.
Việc thiếu hệ thống truy xuất mang tính bắt buộc đang làm suy giảm niềm tin của người dân vào ngành nông nghiệp và thị trường Việt Nam, dẫn đến giảm giá bán và gây thiệt hại uy tín không thể khắc phục. Hơn nữa, sự bùng phát căn bệnh nguy hiểm, trong đó có dịch lở mồm long móng và dịch tả heo châu Phi, sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng về uy tín của ngành nông nghiệp và của quốc gia.
Eurocham tin rằng, hệ thống nhận diện và theo dõi cho phép truy xuất nguồn gốc là công cụ hữu ích để khởi tố người vi phạm và giúp cải thiện uy tín về an toàn thực phẩm của Việt Nam.
Hệ thống nhận diện cho phép truy xuất thông tin về từng sản phẩm vật nuôi bao gồm trang trại nơi động vật được sinh sản, địa điểm chăn nuôi và lò giết mổ cũng như các công ty chịu trách nhiệm vận chuyển.
Eurocham kiến nghị chi phí đầu tư cho hệ thống đăng ký này phải do nhiều bên đóng góp. Khoản đầu tư ban đầu để thiết kế và xây dựng hệ thống nên do nhà nước đầu tư.
Sau đó, chi phí vận hành hệ thống nên được duy trì bằng phí thu từ ngành nông nghiệp. Mỗi hộ sản xuất, doanh nghiệp vận chuyển và doanh nghiệp chế biến cần đóng một mức phí cố định hàng năm để đăng ký và tham gia vào hệ thống. Đối với mỗi vật nuôi muốn đăng ký, doanh nghiệp cần trả thêm một khoản phí nữa, nghĩa là các cơ sở chăn nuôi lớn hơn sẽ trả phí cao hơn.
“Khi vấn đề an toàn thực phẩm được chú trọng, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu sản phẩm sang Liên minh châu Âu và các thị trường khác”, trích sách Trắng 2019.
Thực tế, ngành chăn nuôi heo đang phải đối mặt với thách thức to lớn khi dịch tả heo châu Phi (ASF) đã bùng phát tại 4 tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên và Thanh Hóa. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tất cả heo nhiễm bệnh đã bị tiêu hủy.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đang xem xét một số giải pháp ứng phó như hạn chế, thậm chí ngăn cấm vận chuyển heo tùy theo khu vực, thời điểm và tình hình dịch bệnh.
Mặc dù vậy, Bộ NN&PTNT cảnh báo các địa phương không chủ quan về nguy cơ dịch ASF lan rộng do buôn lậu vật nuôi xuyên biên giới và du lịch, do virus ASF có thể tồn tại trong thời gian dài ở điều kiện thời tiết rất lạnh và rất nóng, ngay cả trong các sản phẩm thịt heo sấy khô hoặc đã giết mổ.
Do dịch ASF xâm nhiễm vào Việt Nam, cùng với lượng thịt nhập khẩu gia tăng khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP, giá heo hơi trong nước năm 2019 dự báo sẽ diễn biến khó lường.
Bên cạnh đó, xuất khẩu sản phẩm thịt lợn dự báo sẽ gặp khó khăn do dịch ASF. Hiện Philippines đã đưa Việt Nam vào danh sách không thể xuất khẩu thịt heo và sản phẩm từ heo sang quốc gia này vì dịch ASF.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng