Thị trường thịt heo “phấp phỏng”, dịch tả lợn châu Phi đi qua giá sẽ nhảy vọt?
Người chăn nuôi gặp khó
Ông Trần Kim Vui ngụ xã Bình An (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) nhớ lại, năm 2012, nhiều người trong vùng khá lơ là việc phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi. Đến khi dịch lợn tai xanh bùng phát, hàng trăm con lợn đã mắc bệnh phải mang đi tiêu hủy. Sau bài học nhãn tiền đó, bà con mới chú trọng hơn đến công tác phòng ngừa các loại dịch bệnh.
Đến nay, huyện Xuân Lộc có tổng đàn lợn lớn thứ 2 toàn tỉnh, khoảng 380.000 con. Đáng lưu ý, Xuân Lộc nằm ở vị trí đầu tỉnh, hàng ngày tiếp nhận lượng xe vận chuyển gia súc, gia cầm đi qua nhiều, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ các tỉnh khác vào Nam là rất lớn.
Mấy ngày nay, nghe tin dịch tả lợn châu Phi ASF( DTLCP ) tràn qua khỏi miền Bắc, ông Vui và nông dân xã Bình An lại càng cẩn trọng đề phòng hơn lúc nào hết. Phía Nam chưa có dịch, nhưng mọi người vẫn rắc vôi, xịt thuốc khử trùng và hạn chế tối đa người lạ ra vào trại.
“Điều đáng ngại nhất lúc này là tâm lý vội vàng quay lưng của người tiêu dùng đối với thịt lợn dù DTLCP không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Khi thị trường biến động, không chỉ nông hộ mà lúc đó chính người tiêu dùng cũng bị thiệt” – ông Vui nói.
Khi bị đội cung do cầu giảm, thịt lợn lại tiếp tục rớt giá. Người chăn nuôi gặp khó khăn trước. Nhưng khi dịch đi qua, lượng thịt sụt giảm. Lúc đó giá lợn có thể tăng lên đến 60.000 – 70.000 đồng/kg.
Ghi nhận thị trường những ngày gần đây cho thấy, sức tiêu thụ mặt hàng thịt lợn có biến động nhưng chưa đáng kể. Tại chợ Hồ Học Lãm (quận Bình Tân, TP.HCM), chị Kiều Mai – một tiểu thương cho biết, hiện sức mua các loại thịt lợn tại quầy của chị có giảm so với trước khi có thông tin DTLCP xuất hiện tại Việt Nam.
Cần các biện pháp quyết liệt hơn
Ông Nguyễn Bình – hộ chăn nuôi lợn ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) cho rằng, những lo lắng trên đây là hoàn toàn có lý. Ngành chăn nuôi luôn phải đứng trước tình cảnh bị động ứng phó mỗi khi gặp biến cố.
Tháng 8.2018, Trung Quốc công bố dịch. Đến tháng 2.2019, Việt Nam công bố có dịch. Không thể phủ nhận tầm
nguy hiểm của DTLCP nhưng ngành chăn nuôi mất đi 8 tháng không kịp phòng bị. Theo ông Bình, từ sau đợt giải cứu lợn năm 2017, đàn lợn trong nước đã giảm. Chưa kể thịt lợn nhập khẩu từ cả nước cũng hạn chế sau khi DTLCP bùng phát. Hiện miền Nam đang thiếu lợn.
Khi không tiếp nhận lợn từ miền Bắc, việc duy trì đủ nguồn thực phẩm thịt an toàn cho thành phố sẽ thêm áp lực khó khăn. Tuy nhiên, các biện pháp đối với DTLCP cần phải nâng lên một mức cao hơn. Nếu lơ là, thị trường và ngành chăn nuôi sẽ lại thêm cơn khốn đốn.
Mới đây, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, sẽ gửi kiến nghị lên các cấp chính quyền, Bộ NNPTNT, Chính phủ, trong đó có đề nghị tạm thời cấm vận chuyển lợn từ các tỉnh miền Bắc vào miền Nam kể từ đèo Hải Vân trong thời gian có dịch ở miền Bắc.
Ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, ngành chăn nuôi trong nước phải tìm cách thay đổi. Muốn người dân sống được với chăn nuôi, cách tốt nhất là giảm đàn và tăng năng suất. “Khi giảm đàn, việc quản lý dịch bệnh sẽ trở nên nhẹ nhàng, các vấn đề ô nhiễm môi trường, áp lực giá thức ăn cũng sẽ giảm theo. Khi hạ giá thành mà cho năng suất cao thì không sợ áp lực từ thịt nhập. Gợi ý khác là chuyển hướng một phần sang chăn nuôi gà để thay đổi dần cơ cấu dinh dưỡng trong bữa ăn” – ông Công nói.
Hiện mỗi ngày có khoảng hơn 3.000 con lợn nhập vào TP.HCM, dù mấy hôm nay số lượng có giảm nhưng không đáng kể. Lo ngại dịch, các lực lượng đã phối hợp với quản lý thị trường tuần tra xử lý các đối tượng vận chuyển lợn vào thành phố né trạm” .
ông Phạm Văn Chí – Trưởng Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, TP.HCM.
Báo Dân Việt