Thời cơ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi
Đại diện Hiệp hội Đậu nành Mỹ (ASA) và Hội đồng ngũ cốc Mỹ (USGC) tại Hà Nội khuyến cáo: Việt Nam cần nhanh chóng nắm lấy cơ hội này để tiếp cận với nguồn nguyên liệu TĂCN với giá có lợi hơn từ Hoa Kỳ.
XK cao lương của Mỹ lao đao
Hãng tin Reuters hồi cuối tháng 4/2018 cho biết: Hoạt động thương mại của cao lương – một thành phần của thức ăn gia súc trên thế giới đang ảnh hưởng nặng nề trong cuộc chiến giữa hai nền thương mại lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Theo số liệu của Cơ quan Giám sát Ngũ cốc Liên bang Mỹ (thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ – USDA), đã có khoảng 20 tàu biển chở theo 1,2 triệu tấn cao lương xuất cảng từ Mỹ, lênh đênh trên biển hồi cuối tháng 4/2018. Đội tàu này có đơn hàng trị giá khoảng 216 triệu USD, đã buộc phải loay hoay thay đổi hành trình ít nhất 5 lần, chỉ vài giờ sau khi Trung Quốc công bố mức thuế mới nhằm vào ngũ cốc từ Mỹ.
Giới doanh nhân đánh giá, Cargill và ADM – hai “ông lớn” trong XK ngũ cốc thế giới là chủ sở hữu 5 lô hàng ngũ cốc từ Mỹ đến Trung Quốc sẽ phải bán tháo để gỡ gạc, trừ khi phải bỏ chi phí khổng lồ để đền bù sai hợp đồng vận chuyển. Cargill đã xác nhận việc XK sang Trung Quốc, song từ chối cho biết chi tiết hàng hóa, điểm đến cuối, trọng lượng và tên khách hàng.
Công ty này cũng từ chối cho biết lý do tàu dừng lại trên biển, hoặc có thể đang quay ngược về Mỹ. Cargill tuyên bố không chịu trách nhiệm cho những chi phí có thể phát sinh. Trong khi đó, ADM từ chối bình luận. “Họ (các công ty Mỹ) không có vị thế tốt để đàm phán bởi họ đang có tàu hàng chở ngũ cốc trên khắp các đại dương và buộc phải bán hết chỗ hàng đó”, Daniel O’Brien, nhà kinh tế học (thuộc Đại học Kansas) đánh giá.
Giới thương gia Mỹ cho rằng, lượng cao lương đang bị “mắc kẹt” lại trong quá trình giao dịch giữa Mỹ tới Trung Quốc có thể được chuyển hướng sang các nước Đông Nam Á, trong đó tiêu biểu như Việt Nam hay Philippines, nơi có nhiều công ty sản xuất thức ăn gia súc hoạt động. Tuy nhiên, Việt Nam NK cao lương từ Mỹ không đáng kể, còn Philippines chỉ nhập 19.000 tấn cao lương trong mùa vụ 2016 – 2017, theo dữ liệu của USDA.
Trung Quốc hàng năm NK trung bình khoảng 5,2 triệu tấn cao lương, gấp gần 10 lần so với quốc gia NK thứ hai là Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện Bắc Kinh đang điều tra việc NK một số loại ngũ cốc từ Mỹ gây ảnh hưởng đến nền nông nghiệp trong nước, và tuyên bố các đơn vị xử lý ngũ cốc sẽ phải nộp khoản tiền đặt cọc trị giá 178,6% của lô hàng.
Các nhà phân tích cho rằng, khoản ký gửi nêu trên có thể khiến Mỹ phải dừng XK ngũ cốc sang Trung Quốc, vốn là nguồn nguyên liệu TĂCN và rượu. Tình hình này có thể khiến các DN kinh doanh ngũ cốc của Mỹ sẽ phải giảm giá cao lương trong thời gian tới. Hiện giá cao lương ở Texas đã giảm xuống mạnh sau động thái của Trung Quốc. Hồi tháng 4, giá cao lương ở khu vực này chỉ còn dao động quanh mức 181,29 USD/tấn, không bao gồm phí vận chuyển.
Ngành SX cao lương của Mỹ hiện đang kêu gọi chấm dứt các động thái trả đũa giữa Washington và Bắc Kinh, đang có nguy cơ phá vỡ các quan hệ thương mại được xây dựng nhiều năm qua. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung cũng đang gây lo ngại cho các nhà cung ứng ngũ cốc ở ven bờ Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Căng thẳng này được cảnh báo có thể gây ảnh hưởng xấu tới nông nghiệp toàn cầu, vốn đang chật vật do giá nông sản xuống thấp bởi lượng ngũ cốc dư thừa nhiều. Động thái của Trung Quốc cũng đã tác động đến thị trường ngũ cốc toàn cầu. Giá ngũ cốc Australia, đối tượng không bị nhắm tới trong căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, đã tăng vọt.
“Nếu Trung Quốc áp thêm thuế chống phá giá lên các mặt hàng khác như đậu nành, ngô từ Hoa Kỳ thì mọi thứ sẽ mau chóng trở nên rất tồi tệ”, Bill Densmore, nhà quản lý cấp cao của Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đánh giá.
Chớp thời cơ càng nhanh càng tốt!
Những biến động mạnh mẽ trong thị trường ngũ cốc toàn cầu đang tạo ra cả những cơ hội cho ngành sản xuất TĂCN của Việt Nam. Với hơn 230 nhà máy TĂCN (sản lượng đứng đầu Đông Nam Á với khoảng 25 triệu tấn), hiện mỗi năm Việt Nam NK tới trên 8 triệu tấn ngô và khoảng 5 triệu tấn khô dầu đậu nành và một lượng nhỏ cao lương. Việc Trung Quốc – thị trường chiếm trên 70% lượng cao lương và khoảng 1/3 lượng đậu nành XK của Mỹ siết chặt NK sẽ là cơ hội lớn để các nhà NK Việt Nam tiếp cận với nguồn nguyên liệu TĂCN với giá có lợi hơn từ Mỹ.
Trao đổi với NNVN, ông Trần Trọng Chiển, đại diện thương mại của Hiệp hội Đậu nành Mỹ (ASA) và Hội đồng ngũ cốc Mỹ (USGC) tại Hà Nội cho biết: Hiện các tập đoàn lớn về ngũ cốc của Mỹ như Cargill, ADM… đều đã có văn phòng đại diện tại Việt Nam và sẵn sàng cung cấp nguồn nguyên liệu TĂCN như cao lương, ngô, khô đậu tương từ Mỹ với giá cả có lợi cho các DN Việt Nam. Các DN tại Việt Nam có nhu cầu, có thể trực tiếp liên hệ với đại diện thương mại của Hiệp hội Đậu nành Mỹ (ASA) và Hội đồng ngũ cốc Mỹ (USGC) tại Hà Nội.
Vị này đánh giá: Với việc Trung Quốc siết chặt NK ngũ cốc từ Hoa Kỳ, hiện các nhà NK của Trung Quốc sẽ phải tìm tới các nước SX ngũ cốc lớn ở Nam Mỹ như Brazil hay Argentina. Tuy nhiên do mùa vụ giữa Nam Mỹ và Hoa Kỳ rất chênh nhau, nên dự báo giá ngũ cốc của Hoa Kỳ sẽ giảm sâu trong thời gian tới là hoàn toàn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, việc các khách hàng lớn của Trung Quốc đổ dồn sang thị trường Nam Mỹ cũng đang khiến giá ngũ cốc các loại ở Nam Mỹ tăng lên hàng ngày. Điều này đang gây nhiều bất lợi cho các Cty TĂCN của Việt Nam, bởi Brazil và Argentina hiện vẫn là các nước XK ngô và đậu tương chủ yếu cho Việt nam.
Vì vậy theo ông Chiển, mặc dù hiện Việt Nam chưa NK nhiều cao lương từ Mỹ để sản xuất TĂCN, tuy nhiên thời gian tới, các NM sản xuất TĂCN trong nước nên có động thái tiếp cận càng sớm càng tốt với nguồn cao lương từ Mỹ với giá rẻ, thậm chí có thể chỉ 150 – 160 USD/tấn, thấp hơn 40 – 50 USD/tấn so với thông thường và chỉ tương đương với ngô. Không chỉ có cao lương, các loại nguyên liệu TĂCN khác của Mỹ như ngô, đậu tương cũng nhiều khả năng sẽ giảm sâu, ít nhất khoảng 20 – 25% so với trước đây nếu việc áp thuế lên mức tối đa 25% của Trung Quốc được thực thi.
“Đây là cơ hội lớn, và cơ hội này không phải diễn ra mãi mãi nên phải chớp lấy càng sớm càng tốt để tăng cường NK ngũ cốc từ Hoa Kỳ. Tôi cho rằng, Bộ NN-PTNT, Hiệp hội TĂCN Việt Nam, các NM sản xuất TĂCN cần gấp rút tổ chức một cuộc gặp, cùng với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam để triển khai kết nối giữa các bên. Mặt khác, Bộ NN-PTNT cũng cần tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng nhất có thể để việc NK các nguyên liệu TĂCN từ Mỹ diễn ra thuận lợi nhất”, ông Trần Trọng Chiển.