Trình Thủ tướng Đề án di dời bến cảng Hoàng Diệu thuộc cảng biển Hải Phòng
Theo đó, khu bến cảng Hoàng Diệu gồm 11 cầu cảng với 1.717 m dài, tiếp nhận cỡ tàu đến 50.000 tấn giảm tải, công suất 8 – 10 triệu tấn/năm sẽ bắt đầu di dời 3 cầu cảng đầu tiên ( số 1, số 2, số 3) vào quý I/2020; các cảng còn lại từ quý III/2020 theo hướng dịch chuyển hàng hóa tiếp nhận sang cảng Chùa Vẽ và các cảng hiện hữu trên sông Cấm.
Dự kiến, tổng kinh phí di dời các bến cảng Hoàng Diệu vào khoảng 1.826,2 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 khoảng 492,1 tỷ đồng; giai đoạn 2 khoảng 1.334,1 tỷ đồng.
Quỹ đất sau khi di dời bến cảng Hoàng Diệu sẽ được đấu giá công khai theo quy định để tạo nguồn hỗ trợ tái đầu tư cho Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng. Trường hợp không đủ kinh phí di dời đề nghị hỗ trợ từ ngân sách trung ương và địa phương.
Để hỗ trợ cho đơn vị đang vận hành bến cảng Hoàng Diệu, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ ưu tiên cho Công ty CP Cảng Hải Phòng đầu tư một số bến cảng mới tại Lạch Huyện, đảm nhận lượng hàng theo quy hoạch, bù đắp năng lực thông qua và đảm bảo nguồn thu khi bến cảng Chùa Vẽ chuyển đổi công năng. Trước mắt, đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến số 3, 4 tại cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng do Công ty CP Cảng Hải Phòng làm chủ đầu tư có quy mô 2 bến công ten nơ và tổng hợp, có thể tiếp nhận tàu có sức chở đến 8.000 TEU; thời gian thực hiện trong giai đoạn từ năm 2017 – 2020 và đưa cảng vào khai thác sử dụng trong quý IV năm 2019.
Được biết, bến cảng Hoàng Diệu là 1 trong 3 bến cảng của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng có vai trò quan trọng của khu vực phía Bắc với công suất đạt 8 ÷ 10 triệu tấn/năm, có hệ thống đường sắt đồng bộ kết nối với đường sắt quốc gia (Hải Phòng – Hà Nội – Việt Trì – Lào Cai) để vận chuyển các loại hàng rời như lưu huỳnh, quặng, a pa tit đến Lào Cai, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội khu vực phía Bắc.
Bến cảng hiện đang chủ yếu tiếp nhận các loại hàng rời phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng của các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Bắc, trong đó do cơ sở hạ tầng cảng cơ bản đã hoàn thành khấu hao nên đây là khu bến duy nhất tại khu vực tiếp nhận các mặt hàng có giá trị và lợi nhuận thấp mà các bến cảng khác không tiếp nhận hoặc nếu tiếp nhận với chi phí cao hơn nhiều.
Đây cũng là bến cảng duy nhất trong khu vực chuyên chở các các loại hàng chỉ có thể vận tải bằng đường sắt (lưu huỳnh, a pa tít…) để phục vụ cho việc xuất nhập các tàu từ 5.000 tấn trở lên (cảng Vật Cách chỉ tiếp nhận được cỡ tàu dưới 3.500 tấn trở xuống), thường xuyên tiếp nhận và khai thác được từ 6 đến 7 tàu từ 20.000 tấn đến 50.000 tấn giảm tải cùng 1 thời điểm trong khi các cảng khác trong khu vực chỉ tiếp nhận được các tàu hàng ngoài công ten nơ dưới 20.000 tấn giảm tải.
Do vậy, bến cảng Hoàng Diệu tiếp nhận hầu hết lượng hàng từ các dự án của các nhà máy lớn trong khu vực phía Bắc (kể cả Quảng Ninh) do các mặt hàng sắt thép thiết bị và các mặt hàng rời khác thường được các chủ tàu khai thác theo hình thức đi ghép hàng và thường sử dụng các tàu lớn để cạnh tranh giá cước vận tải tối ưu nhất. Các mặt hàng từ các tỉnh miền Trung cũng đều tập trung về bến cảng Hoàng Diệu sau đó trung chuyển nội địa về các tỉnh.
Với vị trí thuận lợi gắn kết được nhiều phương thức vận tải đặc biệt là đường sắt, có khả năng tiếp nhận được các tàu hàng tổng hợp, hàng rời cỡ lớn cùng hệ thống trang thiết bị (đã hết thời hạn khấu hao), kho bãi đồng bộ, lao động kinh nghiệm, tạo điều kiện tối ưu hóa trong các phương thức vận tải. Từ đó, đây là bến cảng có giá thành vận tải hàng hóa thấp nhất trong các cảng hiện nay tại khu vực Hải Phòng, đóng góp nhiều lợi ích kinh tế cho toàn bộ khu vực phía Bắc khi khai thác hàng bách hóa tổng hợp mà trong đó hàng hóa thông qua bến cảng Hoàng Diệu thường đảm nhận 52% hàng tổng hợp (ngoài công ten nơ); 73% hàng nhập khẩu cho khu vực và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội khu vực.
Tuy nhiên, theo Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 2367/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 của Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía Bắc (Nhóm 1) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030: Các bến sông Cấm không phát triển mở rộng, từng bước di dời, chuyển đổi công năng bến cảng Hoàng Diệu; lộ trình di dời phù hợp với kế hoạch xây dựng cầu Nguyễn Trãi và tiến độ xây dựng các bến cảng tại khu bến Lạch Huyện.
Bên cạnh đó, ngày 24/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1131/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kĩ thuật Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, giai đoạn 2016 – 2020 xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ nối trung tâm thành phố với trung tâm hành chính mới Bắc Sông Cấm. Cầu Hoàng Văn Thụ đã được khởi công ngày 06/01/2017, hướng tuyến cầu cắt qua cầu cảng số 10, 11 và ảnh hưởng đến hoạt động của bến cảng số 9. Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng đã tạm ngừng khai thác các cầu cảng số 9, 10, 11 để phục vụ thi công xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ (bao gồm cả các tuyến đường sắt chuyên dùng trong cảng).
Hiện nay, theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND thành phố Hải Phòng đang nghiên cứu và đề xuất đầu tư xây dựng tiếp cầu Nguyễn Trãi bắc qua Sông Cấm tại vị trí cầu cảng số 1, 2, 3 bến cảng Hoàng Diệu với tĩnh không 25 m, dự kiến được khởi công xây dựng Quý IV/2018, hoàn thành Quý IV/2021 (theo đề xuất của thành phố tại cuộc họp ngày 04/03/2017 giữa Bộ GTVT và UBND thành phố Hải Phòng). Tại thời điểm xây dựng cầu Nguyễn Trãi, các cầu cảng 1, 2, 3 trực tiếp bị ảnh hưởng và do hạn chế về tĩnh không, sau đó một thời gian toàn bộ các cầu cảng còn lại của bến cảng Hoàng Diệu sẽ không thể tiếp tục khai thác theo năng lực thiết kế.
Nguồn : Copy