Trung Quốc giảm ăn thịt heo, người nuôi gặp khó
Lo ngại cho sức khỏe, người dân Trung Quốc đang giảm tiêu thụ thịt heo, làm cho giá thịt heo giảm theo, không chỉ ở Trung Quốc mà nhiều nước khác nữa, gây khó khăn cho người nuôi heo và buộc các công ty kinh doanh thịt heo phải thay đổi cung cách hoạt động.
Một khách hàng đang chọn mua thịt heo trong một ngôi chợ ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Các xưởng sản xuất bánh bao đông lạnh ở Trung Quốc đã tìm ra được con đường ngắn nhất để tăng doanh số: tăng lượng rau xanh và giảm lượng thịt heo trong mỗi chiếc bánh. Sự thay đổi này, trái hẳn với bánh bao truyền thống nhân thịt heo, thịt càng nhiều càng ngon, đang gây sốt trong giới trẻ đô thị, những kẻ vừa bận rộn vừa muốn giảm ăn dầu mỡ trong các món ăn fast-food.
“Họ thích ăn các món ăn có lợi cho sức khỏe hơn, ít nhất mỗi tuần một lần. Đây là xu hướng quan trọng của người tiêu dùng nội địa Trung Quốc, nhất là lớp người độ tuổi từ 20-35”, Ellis Wang, Giám đốc tiếp thị tại Thượng Hải của tập đoàn sản xuất thực phẩm khổng lồ của Mỹ General Mills, cho biết.
Nhu cầu đã chạm trần?
Nhưng xu hướng này lại “rất khó nuốt” với những nông dân nuôi heo ở Trung Quốc và cả ở nước ngoài. Các nhà sản xuất thịt heo và các chuyên gia thị trường đều kỳ vọng thị trường thịt heo Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng ít nhất tới năm 2026; nhưng thực tế không phải như vậy. Do kỳ vọng vào sự tăng trưởng, các công ty chăn nuôi đã lao vào cuộc chạy đua xây dựng chuồng trại, lập ra những trại nuôi heo khổng lồ và hiện đại để mong giành được thị phần lớn hơn của thị trường thịt heo lớn nhất thế giới. Các công ty sản xuất thịt heo hàng đầu ở nước ngoài thì thay đổi cách thức nuôi heo để đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu của Trung Quốc.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là nước tiêu thụ nhiều thịt hơn bất kỳ quốc gia nào. Năm nay người Trung Quốc sẽ ăn khoảng 74 triệu tấn thịt, tính cả thịt heo, thịt bò và thịt gia cầm; gấp đôi lượng thịt tiêu thụ ở Mỹ, theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Hơn một nửa số thịt này là thịt heo và đối với các nhà sản xuất nước ngoài, đây là một thị trường rất lớn, lại tăng trưởng nhanh, nhất là với các sản phẩm thịt đóng gói theo kiểu phương Tây.
Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ thịt heo ở Trung Quốc đã chạm trần, sớm hơn rất nhiều so với dự báo chính thức. Lượng thịt heo tiêu thụ hiện đã giảm năm thứ ba liên tiếp, theo dữ liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor. Năm 2014, Trung Quốc tiêu thụ 42,49 triệu tấn thịt heo, giảm xuống 40,85 triệu tấn vào năm ngoái và Euromonitor dự báo năm nay lượng thịt heo tiêu thụ sẽ tiếp tục giảm nhẹ.
Giá thịt heo ở Trung Quốc cũng đã giảm khoảng 25% kể từ tháng 1-2017 đến nay dù số liệu thống kê chính thức cho biết nguồn cung thịt heo ra thị trường cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa với thế giới vào cuối thập niên 1970, nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng bình quân khoảng 5,7% mỗi năm, đạt đỉnh vào năm 2014 khi kinh tế phát triển tạo điều kiện cho hàng trăm triệu người có đủ tiền mua thịt ăn thường xuyên. Dưới thời ông Mao Trạch Đông (1949-1976), với nhiều người, thịt là một thứ xa xỉ phẩm, chỉ được ăn vào ngày lễ Tết.
Bớt thịt, thêm rau
Vậy mà, ngày nay mối lo bệnh béo phì và bệnh tim mạch đang làm thay đổi thói quen ăn uống, thúc đẩy các mặt hàng có lợi cho sức khỏe như trái bơ, nước ép trái cây. “Nhu cầu của thị trường thịt heo hiện đang rất yếu. Tôi nghĩ một trong những yếu tố đằng sau là do người dân tin rằng, giảm ăn thịt có lợi cho sức khỏe. Đây là một xu hướng mới”, ông Pan Chenjun, Giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu về thực phẩm và nông nghiệp của Ngân hàng Rabobank tại Hồng Kông, nhận định.
Năm ngoái, doanh số mặt hàng bánh bao đông lạnh nhân rau đã tăng tới 30%, cao hơn nhiều so với mức tăng 7% của mặt hàng bánh bao đông lạnh nói chung. “Nhu cầu các sản phẩm rau xanh vẫn tiếp tục tăng, tạo ra dư địa tăng trưởng rộng lớn cho chúng tôi”, Zhou Wei, quản lý sản phẩm của Công ty Thực phẩm Synear Food, nhà sản xuất bánh bao lớn thứ hai ở Trung Quốc, cho biết.
Còn Công ty Cung cấp suất ăn công nghiệp Harmony Catering có trụ sở ở Quảng Châu cho rằng sức khỏe là yếu tố then chốt để công ty giảm lượng thịt heo trong khẩu phần ăn của khoảng 1 triệu công nhân ở 300 căng tin mà công ty phục vụ mỗi ngày. Theo ông Li Huang, Phó chủ tịch Công ty Harmony, khách hàng của ông chủ yếu là nhân viên các công ty công nghệ, ngân hàng, hãng xăng dầu… Ngày nay họ ăn thịt ít hơn 10% so với năm năm về trước, nhưng lượng rau xanh lại tăng thêm 10%. “Có phần chủ yếu do truyền thông, quan niệm về sức khỏe đã ăn sâu vào ý thức của người dân”, ông Li nói.
Hiện nay, hầu như chỉ có cư dân đô thị và người lao động cổ cồn trắng quan tâm nhiều tới chuyện ăn kiêng; các quán chay nở rộ trong khuôn viên các trường đại học là một ví dụ. Nhưng Chính phủ Trung Quốc cũng đang muốn thay đổi thói quen ăn uống của người dân cả nước.
Không còn “ăn càng nhiều càng tốt”
Năm ngoái các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard đã cảnh báo bệnh béo phì ở trẻ em đang tăng vọt và nước này sắp đối mặt với đại dịch về bệnh tim mạch. Trong số các nguyên nhân, các chuyên gia nhấn mạnh vào việc ăn ngày càng nhiều các loại thịt đỏ và ăn nhiều muối.
Hồi tháng 4 vừa qua, chính phủ Trung Quốc phát động chiến dịch 10 năm xây dựng lối sống lành mạnh, lần thứ hai, khuyến cáo công dân giảm ăn mỡ, muối và đường và nêu ra khẩu hiệu: “Ăn lành mạnh, cân nặng lành mạnh, xương cốt lành mạnh”.
Trong truyền đơn “Trung Quốc khỏe mạnh 2030” mới phát hành, Bắc Kinh đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ nâng cao nhận thức của người dân về dinh dưỡng, cắt giảm 20% lượng muối tiêu thụ tính theo đầu người, làm chậm tốc độ tăng số người mắc bệnh béo phì.
Nhiều công ty đã nhanh chóng thay đổi cơ cấu sản phẩm bán ra cho phù hợp với thay đổi của nhu cầu thị trường, chú trọng vào thịt heo phẩm chất cao hơn là chạy theo số lượng. Thịt bò và thịt cừu trước đây không được tiêu thụ rộng rãi lắm nay doanh số cũng tăng. Ông Li của Công ty Harmony Catering nói rằng, dù phải giảm lượng thịt heo phục vụ trong bữa ăn, công ty đã đưa thêm nhiều thịt bò và thịt cừu. “Mọi người thường ăn thịt bò hoặc thịt cừu có nhiều nạc, như thịt ức bò chẳng hạn, trong khi thịt heo thì phải có cả nạc cả mỡ, như trong món thịt kho tàu”, chuyên viên dinh dưỡng Chen Zhikun ở Bắc Kinh, nhận xét khi giải thích vì sao mà thịt heo ba rọi vẫn bán chạy.
Nhà sản xuất thịt heo hàng đầu Trung Quốc WH Group thì nhắm tới thị trường cao cấp hơn, bán ở Trung Quốc những sản phẩm thịt heo kiểu phương Tây như xúc xích và thịt băm; phần lớn các sản phẩm này được nhập khẩu từ Công ty Smithfield, nhà sản xuất thịt heo lớn nhất của Mỹ mà WH Group đã thâu tóm vào năm 2013.
Một số nhà sản xuất nói rằng, sự sụt giảm gần đây về nhu cầu tiêu thụ thịt heo có thể được giải thích một phần do lượng cung thịt giảm. Sau một giai đoạn thua lỗ kéo dài từ năm 2013-2015, nhiều nông dân đã phải giảm đàn heo, bớt đi hàng triệu con, làm nguồn cung bị thu hẹp, đẩy giá thịt heo lên các mức kỷ lục trong năm 2016.
Nhưng với một bộ phận ngày càng đông những người tiêu dùng Trung Quốc, giá bán lẻ thực phẩm ngày càng ít quan trọng. Hàng loạt vụ tai tiếng về an toàn thực phẩm trong những năm gần đây, phần lớn có liên quan tới mặt hàng thịt, đã làm cho người dân đô thị Trung Quốc trở nên rất nhạy cảm với vấn đề phẩm chất thực phẩm.
Trong một cuộc khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen vào năm ngoái, có tới 80% số người Trung Quốc được hỏi ý kiến đã nói rằng họ muốn trả thêm tiền cho các mặt hàng lương thực thực phẩm không có những thành phần không mong muốn; con số này cao hơn mức bình quân toàn cầu là 68%. Trung Quốc đang đi vào giai đoạn mới, trong đó việc tiêu thụ thịt heo và nhiều loại thực phẩm khác không còn đơn giản là “ăn được càng nhiều càng tốt” nữa, ông Fred Gale, nhà kinh tế cao cấp của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhận xét.
Theo TBKTSG