Trang tin về dữ liệu, phân tích về nông nghiệp Informa Agribusiness Intelligence mới đây đã đưa ra dự báo Trung Quốc sẽ là một trong những thị trường nhập khẩu mặt hàng nông sản chủ chốt hấp dẫn nhất. Một số đổi mới cơ bản trong khung chính sách nông nghiệp và sự chuyển dịch trong nhu cầu tiêu thụ nông sản sẽ kéo theo sự thay đổi đáng kể đối với nền kinh tế này trong vài năm tới.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết chỉ trong vòng 15 năm, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Trung Quốc tăng từ 9 tỷ USD lên gần 113 tỷ USD năm 2015, chiếm 8,3% tổng kim ngạch thương mại của nhóm mặt hàng này của toàn thế giới.
Thêm vào đó, những rủi ro kinh tế ngắn hạn và những thách thức dài hạn như lực lượng lao động giảm sút có thể gây ra nhiều vết nứt.
Vì vậy, về dài hạn có thể thấy tiềm năng nhập khẩu nông sản và thực phẩm của thị trường Trung Quốc là rất lớn.
Tự cung tự cấp một số sản phẩm nhất định
Chính phủ Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu tự cung tự cấp một số sản phẩm nông sản trong đó đáp ứng ít nhất 95% nhu cầu tiêu thụ gạo, lùa mỳ và ngô trong nước.
Tuy nhiên, những khó khăn về nguồn nước và tài nguyên đất đồng nghĩa với quốc gia này khó lòng có thể đạt được mục tiêu mà mình đã đặt ra. Số liệu của Bộ Bảo Vệ Môi Trường Trung Quốc cũng báo cáo rằng khoảng 20% đất nông nghiệp đang bị ô nhiễm, chủ yếu bởi cadmium, nickel và arsen. Kết quả là quốc gia này được kỳ vọng sẽ mở cửa tăng cường nhập khẩu các mặt hàng nông sản như đậu nành, thịt, các loại hạt chứa dầu (oilseed). Đối với một số mặt hàng nông sản chủ chốt, Informa Agribusiness Intelligence nhận định chi tiết như sau:
Đối với lúa mỳ: Nhu cầu lúa mỳ của các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong khi nhu cầu sử dụng mặt hàng này phục vụ mục đích chăn nuôi vẫn ở mức độ cầm chừng. Như vậy, Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu tịnh lúa mỳ, chủ yếu là dưới dạng lúa mỳ chất lượng cao dùng cho nhiều mục đích khác.
Đối với gạo: Việc giảm diện tích gieo trồng đi kèm với thị hiếu của người tiêu dùng chuyển sang sử dụng gạo chất lượng cao dẫn đến sản lượng gạo của Trung Quốc giảm theo. Nhu cầu thực phẩm được dự đoán sẽ tăng từ từ do yếu tố nhân khẩu học và sự thay đổi trong chế độ ăn uống của người dân. Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng không quá mạnh trong vòng thập kỷ tới.
Đối với ngô: Diện tích trồng ngô của Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm do một số thay đổi trong chính sách nông nghiệp của chính phủ và giá mặt hàng nông sản này đang ở mức thấp. Mặt khác, nhu cầu ngô trong các ngành công nghiệp và chế biến thức ăn cho gia súc được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Trữ lượng ngô lớn sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa tiêu nhu cầu tiêu thụ và sản lượng trong nước trong thời gian sắp tới. Để làm được được điều này, Trung Quốc cần phải tăng cường nhập khẩu ngô.
Thịt lợn sẽ là nguồn protein chủ yếu trong nhiều năm tới
Thịt lợn sẽ vẫn giữ vai trò chủ đạo trong việc cung cấp protein trong khẩu phần ăn của người Trung Quốc do thị hiếu của người tiêu dùng và nguồn cung dồi dào của loại thịt này. Trung Quốc sẽ chủ yếu dựa vào tăng sản lượng (cao hơn khoảng 16% so với năm 2016) để đáp ứng nhu cầu thịt lợn trong nước từ nay đến năm 2025. Nhập khẩu thịt lợn được dự báo sẽ tăng không quá mạnh và chiếm khoảng dưới 5% tổng lượng tiêu thụ trong năm 2025.
Thị trường sữa sẽ tiếp tục tăng trưởng
Trung Quốc là quốc gia sản xuất các sản phẩm về sữa lớn thứ 3 thế giới đồng thời cũng là nước nhập khẩu sữa lớn nhất thế giới. Nhu cầu các sản phẩm sữa sẽ tăng trưởng bền vững được hỗ trợ bởi thói quen ăn uống thay đổi, tốc độ đô thị hóa nhanh, chính sách sinh 1 con bị gỡ bỏ và chuỗi cung ứng lạnh được mở rộng. Ngành công nghiệp sữa Trung Quốc sẽ tập trung vào quy mô, tiêu chuẩn hóa, cơ giới hóa, liên kết theo chiều dọc cùng với chất lượng, nhưng hoạt động sản xuất sẽ không theo kịp với tốc độ tiêu thụ.
Nhập khẩu sữa của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 45% vào tính đến năm 2025- cơ hội tốt cho các quốc gia xuất khẩu, sản xuất, chế biến sữa.
Cơ hội “vàng” cho nông sản Việt
Theo báo cáo của Bộ Công thương công bố trong cuộc họp báo thường kỳ tổ chức hôm 14/7 cho biết trong 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông-lâm-thủy sản tăng 16,7% đạt 12,1 tỷ USD. Đặc biệt, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo này đã tăng trưởng trở lại sau một thời gian dài gặp khó khăn nhờ sự gia tăng xuất khẩu vào các thị trường truyền thống trong đó có Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu hơn 1,3 triệu tấn gạo sang Trung Quốc trị giá 557,3 triệu USD tăng 25,9% về lượng và tăng 32,6% về giá trị.
Mặt hàng rau quả cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ khi giá trị xuất khẩu tăng tới 55,4%.
Trong giai đoạn 2011-2016 kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 30%, chiếm tỷ trọng khoảng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra thị trường thế giới.