Xây dựng khu vực Hải Phòng-Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển
Tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16, Đồng chí Bùi Đức Quang, Ủy viên Thành ủy, Phó chủ tịch HĐND thành phố phát biểu tham gia vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 về nội dung “Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, gắn với Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện”.
Theo đại biểu, nằm trong 28 tỉnh, thành phố ven biển của cả nước, từ những tiềm năng và lợi thế so sánh, Hải Phòng và Quảng Ninh được Trung ương Đảng lựa chọn, ban hành nhiều nghị quyết, xây dựng các mục tiêu phát triển về kinh tế biển. Dự thảo Văn kiện Đại hội 13 của Đảng một lần nữa xác định nhiệm vụ: “Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, gắn với Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện”, điều đó thể hiện rõ sự nhất quán trong phương hướng phát triển kinh tế biển của Đảng ta cũng như khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Hải Phòng, Quảng Ninh trong chiến lược phát triển kinh tế biển của cả nước.
Để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu trên, đồng chí Bùi Đức Quang đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp.
Thứ nhất: Thể chế hóa nhiệm vụ “Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, gắn với Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện” bằng các cơ chế, chính sách cụ thể, tạo nguồn lực đầu tư cho thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.
Thứ hai: Hoàn thiện hệ thống cảng biển và các hệ thống kết nối liên vùng. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện đã được Bộ Giao thông-vận tải phê duyệt; tiếp tục đầu tư Dự án nâng cấp và xây dựng mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Dự án đường cao tốc duyên hải (Ninh Bình-Hải Phòng-Quảng Ninh). Sớm triển khai và đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án có tính chất phát triển kinh tế-xã hội liên vùng, kết nối với Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện. Tiếp tục nghiên cứu, đầu tư nâng cao khả năng kết nối: Tuyến đường sắt đấu nối từ Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và đi các khu vực như đường sắt Yên Viên-Hạ Long để khai thác hiệu quả hành lang công nghiệp phía Bắc; đấu nối tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng hiện có với khu vực phía triển mới phía Đông Nam. Đầu tư các dự án giao thông đường bộ kết nối với các hành lang giao thông, kinh tế quốc gia, đặc biệt là hành lang công nghiệp phía Bắc (quốc lộ 18, đường cao tốc Nội Bài-Hạ Long), hành lang ven biển phía Đông (đường cao tốc ven biển Ninh Bình-Hải Phòng-Hạ Long), hành lang quốc lộ 10 phía Tây và hành lang quốc lộ 37 phía Nam. Bổ sung quy hoạch, đầu tư bến cảng biển đón tàu du lịch quốc tế và di dời hệ thống cảng phía sau cầu Bạch Đằng theo từng giai đoạn phù hợp. Đầu tư xây dựng cầu Tân Vũ-Lạch Huyện 2 từ nguồn vốn xã hội hóa. Nghiên cứu tách dòng giao thông đối ngoại ra khỏi khu vực trung tâm đô thị, cụ thể là luồng vận tải hàng hóa (xe container).
Thứ ba: Tập trung xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, trong đó quan tâm rà soát các quy hoạch, điều chỉnh theo hướng phát triển “kinh tế biển xanh”, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của thành phố Hải Phòng về phát triển các ngành kinh tế biển. Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các khu công nghiệp đã được quy hoạch; điều chỉnh mở rộng Khu kinh tế Đình Vũ Cát Hải. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và lấp đầy các khu kinh tế, khu công nghiệp đã có; Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, 4 trung tâm logistics và các kho ngoại quan. Sớm hoàn thiện quy hoạch khu vực đảo Cát Hải trở thành “đảo thông minh Cát Hải” làm công cụ định hướng phát triển không gian kinh tế biển của thành phố.
Thứ tư: Quan tâm xây dựng và phát triển du lịch biển gắn với bảo vệ môi trường trên cơ sở xác định bảo tồn quần đảo Cát Bà là Khu dự trữ sinh quyển thế giới và Di sản thiên nhiên thế giới. Ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm tiếp tục thu hút đầu tư từ các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào hạ tầng du lịch biển theo tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh lân cận trong xây dựng các chương trình du lịch chung của khu vực và toàn vùng; nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của thành phố; sản phẩm du lịch liên vùng.
Thứ năm: Xây dựng và ban hành cơ chế ưu đãi thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển kinh tế biển, đặc biệt là các cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư của các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển; ưu tiên thu hút đầu tư phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sinh thái, sử dụng năng lượng tái tạo, có công nghệ hiện đại, thân thiện và bảo vệ môi trường… Có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp phụ trợ, tham gia chuỗi giá trị, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Thứ sáu: Tiếp tục đẩy mạnh liên kết vùng nhất là Chương trình hợp tác giữa Hải Phòng và Quảng Ninh; nghiên cứu nâng cấp nội dung hợp tác trong thời gian tới, nhất là trong phát triển kinh tế biển (trong đó chú trọng nội dung quy hoạch và quản lý không gian biển).