Về đầu trang

Giảm chi phí vận tải, làm “nóng” thị trường bất động sản

Posted by admin
Category:

Niềm vui vô bờ của những người làm vận tải

Từ khi cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và cầu Bạch Đằng thông tuyến hôm 1/9, thay vì di chuyển qua cầu Thanh Trì, chạy vào cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, rẽ sang QL18 để về Quảng Ninh như thường lệ, anh Nguyễn Hồng Quân (SN 1982, trú tại TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) điều khiển chiếc xe tải 3,5 tấn đi thẳng vào cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Khi hết tuyến rẽ sang cầu Bạch Đằng nối cao tốc Hạ Long – Hải Phòng về thẳng Quảng Ninh. Quãng đường di chuyển của anh Quân từ Hà Nội về TP Hạ Long trước đây là 180km, giờ rút ngắn xuống còn 130km và thời gian chỉ mất 1,5 tiếng đồng hồ thay vì 3,5 tiếng như trước đây. Hơn nữa, cung đường mới này cũng giúp anh Quân giảm chi phí xăng dầu đáng kể.

Một đoạn cao tốc Hạ Long – Hải Phòng

“Nếu đi theo QL18 từ Hà Nội về Quảng Ninh phải qua 3 trạm thu phí gồm: Phù Đổng, Đại Yên và Phả Lại (chuẩn bị thu), mỗi lượt mất 50 nghìn đồng và quãng đường di chuyển khoảng 4 tiếng đồng hồ, chưa kể việc các phương tiện giao thông đông đúc, phức tạp dễ xảy ra sự cố va chạm, ùn tắc. Nhưng giờ di chuyển theo tuyến cao tốc liền mạch Hà Nội – Hải Phòng – cầu Bạch Đằng – Hạ Long mất phí 210 nghìn đồng/lượt (chưa kể trạm thu cầu Bạch Đằng dự kiến thu khoảng 35 nghìn đồng/lượt). Dù số tiền phí có cao hơn chút, nhưng quãng đường rút ngắn được 30km. Nhưng lợi nhất vẫn là được nhận thêm nhiều chuyến hàng và giảm chi phí xăng dầu lên đến 200 nghìn đồng mỗi chuyến đi”, anh Quân cho biết.

Anh Nguyễn Tấn Tài (SN 1967, tài xế xe container 20feet) cũng cho biết: “Trước đây chưa có cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, tài xế container đều chạy theo lộ trình QL10 từ Hải Phòng sang Quảng Ninh và mất 70 nghìn đồng/lượt tại trạm thu phí Đại Yên trên QL18. Giờ chúng tôi chỉ cần chạy thẳng qua cầu Bạch Đằng và mất phí tại đây (hiện chưa rõ mức thu) nhưng lại giảm được 2/3 quãng đường từ 75km xuống còn 25km”.

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hải Phòng nhận định, tuyến đường này sẽ mang lại giá trị rất cao về kinh tế, khi chi phí nhiên liệu giảm, thời gian vận chuyển ngắn hơn, giúp quay vòng phương tiện nhanh, công suất vận chuyển cao hơn. “Hải Phòng hiện có khoảng 7.000 đầu xe container. Một ngày có khoảng 500 lượt xe container đi tuyến Quảng Ninh, Móng Cái nên lợi ích từ việc này là rất lớn”, ông Tiến phân tích.

Cùng đó, doanh nghiệp du lịch tại Quảng Ninh cho rằng, nhiều du khách ngoại quốc cho biết, họ rất ngại phải di chuyển một quãng đường dài để đến được điểm du lịch. Trước đây, du khách ngoại quốc nếu đến Việt Nam bằng đường không thường phải mất khoảng 4 giờ để di chuyển từ sân bay Nội Bài – Hà Nội xuống Hạ Long. Giờ di chuyển theo cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và nối với cao tốc Hải Phòng – Quảng Ninh, quãng đường này đã được rút ngắn tạo cơ hội cho các công ty lữ hành chủ động mở rộng các tour du lịch. Còn nếu du khách quốc tế đi từ sân bay Cát Bi – Hải Phòng, thời gian từ Hải Phòng đến vịnh Hạ Long chỉ chưa đầy 30 phút và có thể di chuyển ngược lại để tham quan Cát Bà (Hải Phòng).

Giám đốc một công ty du lịch tại Quảng Ninh chia sẻ: “Chúng tôi có khá nhiều tour ghép khách lẻ trong cùng hệ thống công ty, khởi hành từ các đầu Hà Nội và Hải Phòng. Vì vậy, việc thông tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng sẽ giúp khách hàng tại Quảng Ninh thuận tiện di chuyển tới Hà Nội, Hải Phòng và ngược lại”.

“Có 4 lý do để khẳng định tính đột phá mạnh mẽ của dự án. Thứ nhất là cao tốc Hạ Long – Hải Phòng không chỉ phát huy mạnh mẽ hơn giá trị cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mà quan trọng hơn còn góp phần thúc đẩy liên kết vùng tam giác kinh tế phía Bắc, mở rộng không gian phát triển cho toàn khu vực. Thứ hai là dự án hoàn thiện sẽ rút ngắn thời gian di chuyển – là tài nguyên quý giá của con người. Thứ ba, đây là cây cầu made in Việt Nam, khẳng định sự tự lực, tự cường, tự làm chủ công nghệ của người Việt Nam và thứ tư là minh chứng cụ thể nhất cho tư duy dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

“Đánh thức” thị trường bất động sản

Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và cầu Bạch Đằng được coi là bước đột phá về nội lực, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương tiên phong cả nước trong việc đề xuất Chính phủ được tự huy động các nguồn vốn để xây dựng. Sau khi thông xe, tuyến đường này đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn chỉnh kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh), hoàn thiện tuyến cao tốc theo trục ven biển vùng duyên hải Bắc bộ.

Giới đầu tư nhìn nhận, đây là một trong những sự kiện “bước ngoặt”, có ảnh hưởng quan trọng nhất đến đà bứt phá của thị trường bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng Quảng Ninh từ năm 2018 trở đi.

Ông Tạ Từ Hải, Giám đốc một sàn giao dịch BĐS lớn ở Quảng Ninh cho biết: “Giá nhà đất chung ở TP Hạ Long bắt đầu tăng, một số khu vực thuận lợi giao thông trước đây khó bán, nay giá tăng từ 8-10%”.

Sàn giao dịch BĐS Trường Hương cũng cho biết, dự án đô thị mới Hà Khánh A, B, C một thời yên ắng, nay đã “ấm” lên.

PV Báo Giao thông thực tế ở một số khu vực cho thấy, tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng có sức ảnh hưởng lớn đến giá trị đất không chỉ tại địa bàn có tuyến đường chạy qua mà những vùng xa hơn cũng đã “lên ngôi”. Như ở khu vực Khe Cá, thuộc phường Hà Phong (TP Hạ Long) hai năm trước giá đất nền của dự án đô thị tái định cư do mỏ than Núi Béo làm chủ đầu tư (đã cơ bản có hạ tầng), giá giao dịch thị trường trên dưới 5 triệu đồng/m². Từ khi tuyến cao tốc đi vào sử dụng cùng với dự án đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả sắp triển khai, giá đã đội lên tới 15 triệu đồng/m².

Đất khu vực đảo Hà Nam, TX Quảng Yên (gần nút giao thông đường dẫn cao tốc Hạ Long – Hải Phòng) ngày càng lên cao. Một “cò đất” tại Quảng Ninh cho biết, ngay trước khi tuyến cao tốc đi vào hoạt động, thị trường nhà đất tại Quảng Ninh đã “tăng tốc”, một phần do “đại gia” ở TP Hà Nội, Hải Phòng đến mua đất nhằm xây dựng cửa hàng, cửa hiệu, mở dịch vụ đón kinh doanh phục vụ khu công nghiệp cảng biển, khu đô thị công nghệ cao Quảng Yên.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh, “gà đẻ trứng vàng” trên thị trường BĐS ở Quảng Ninh mà dự án cao tốc Hạ Long – Hải Phòng nối cầu Bạch Đằng mang lại là phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, hometel và các khu công nghiệp. “Giao thông được kết nối giúp giá trị quỹ đất của Quảng Ninh tăng lên. Nhờ việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng đã tạo ra “cú hích” cho 1 số tập đoàn địa ốc lớn rót vốn vào như: BIM Group, Vingroup, Sun Group, FLC…”, ông Cường cho biết.

Có thể kể đến nhiều dự án đã và đang triển khai thi công như: Vinhomes Dragon Bay (12.000 tỷ đồng), khu thành phố Marina Hạ Long (2 tỷ USD), SunWorld Ha Long Park (7.800 tỷ đồng), FLC Hạ Long (3.400 tỷ đồng), Mon Bay Hạ Long (5.000 tỷ đồng), Hạ Long Star (550 triệu USD), Vinpearl Hạ Long,… kéo theo lượng khách du lịch đến Hạ Long tăng mạnh.

Ông Cường cũng thông tin, tại TX Quảng Yên – nơi tuyến cao tốc chạy qua vẫn chưa có hạ tầng kết nối tốt, hiện mới chỉ có đường liên thôn dẫn ra các nút giao, các đường trục chính vẫn chưa hoàn thiện nên tình hình BĐS vẫn chưa có biến động mạnh như ở TP Hạ Long. Tuy vậy, các quỹ đất của địa phương cũng đang “nóng” lên khi có nhiều nhà đầu tư tiếp cận như: Tập đoàn Amata (Thái Lan) xây dựng khu công nghiệp Sông Khoai, Khu công nghiệp dịch vụ Đầm Nhà Mạc cũng đang hình thành với diện tích 3.710 ha trên diện rộng các xã phường Phong Cốc, Yên Hải, Liên Vị, Tiền Phong tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Nguồn : Copy

Trả lời