Về đầu trang

Thị trường heo hơi hôm nay 21/3: Ghi nhận ngày giảm thứ ba liên tiếp

Posted by admin

Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc tiếp tục đà lao dốc

Theo ghi nhận, giá heo hơi tại Nam Định giảm 2.000 đồng xuống 35.000 đồng/kg; Bắc Giang, Hà Nam cùng giảm 1.000 đồng xuống 36.000 đồng/kg.

Tại Tuyên Quang, Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc giá heo hơi đạt khoảng 35.000 – 37.000 đồng/kg; Hưng Yên, Thái Nguyên, Thái Bình dao động trong khoảng 36.000 – 38.000 đồng/kg, có nơi giá heo xuống còn 32.000 – 34.000 đồng/kg.

Tại Yên Bái, Lào Cai, Hải Dương, Ninh Bình heo hơi được thu mua trong khoảng 39.000 – 40.000 đồng/kg.

Nhìn chung, giá heo hơi bình quân toàn khu vực tiếp tục xuống còn 37.500 đồng/kg.

Giá heo hơi hôm nay vẫn chưa thể kết thúc đà giảm.

Giá heo hơi hôm nay tại miền Trung, Tây Nguyên giảm gần sát giá miền Bắc

Cụ thể, tại Nghệ An, giá heo hơi báo giảm 4.000 đồng/kg xuống 36.000 đồng; Bình Định cũng giảm tới 3.000 đồng xuống 33.000 đồng/kg; Quảng Trị giảm thêm 2.500 đồng xuống 38.500 đồng/kg.

Giá heo hơi tại Khánh Hòa, Ninh Thuận giảm 2.000 đồng xuống 44.000 đồng/kg; Quảng Bình giảm tiếp 1.000 đồng/kg xuống 33.000 đồng ngay sau khi giảm mức tương tự trong ngày hôm qua.

Tại Quảng Nam, Quảng Ngãi giá heo hơi đồng loạt giảm 1.000 đồng xuống 39.000 đồng/kg.

Những đợt giảm liên tiếp đã đẩy giá heo hơi trong khu vực xuống gần mức giá tại phía Bắc, với mức giá bình quân xuống còn khoảng 38.000 đồng/kg.

Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam tiếp tục suy yếu

Theo đó, giá heo hơi tại Tây Ninh giảm 3.000 đồng xuống 40.000 đồng/kg; Đồng Nai cũng giảm tới 3.000 đồng xuống 40.000 – 41.000 đồng/kg. Các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng đồng loạt giảm 2.000 đồng còn khoảng 43.000 – 46.000 đồng/kg.

Tại Bình Dương, Đồng Tháp, An Giang giá heo ghi nhận giảm thêm 1.000 đồng xuống 42.000 – 45.000 đồng/kg.

Những địa phương khác, giá heo hơi không thay đổi so với ngày hôm qua, dao động trong mức 40.000 – 46.000 đồng/kg.

Giá heo tại công ty chăn nuôi lớn cũng giảm thêm 1.000 đồng xuống 41.500 đồng/kg. Điều này có thể khiến giá heo tại các trại dân tiếp tục lao dốc.

Ngoài ra, tình hình buôn bán heo tại chợ đầu mối cũng không có dấu hiệu tích cực khi nhu cầu vẫn ảm đạm và hôm qua (20/3) là ngày rằm.

Có thể tăng nhập khẩu heo trường hợp thiếu nguồn cung do dịch tả heo châu Phi

Tính đến nay, lượng heo bị bệnh và tiêu hủy chỉ chiếm khoảng 0,08% so với tổng nguồn cung trong năm. Đến thời điểm hiện nay nguồn cung trong nước vẫn được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân và các hoạt động sản xuất, chế biến.

Năm 2018, tổng sản lượng thịt hơi các loại khoảng 5,35 triệu tấn, tăng 3,6% so với cùng kì năm 2017. Trong đó, thịt heo hơi ước đạt 3,81 triệu tấn (tăng 2,2% so với năm 2017).

Chăn nuôi heo đang chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại. Tổng sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng từ trang trại năm 2014 chiếm khoảng 40 – 45% đã tăng lên 58% năm 2017 và 70 – 75% năm 2018.

Bộ Công Thương nhận định trong điều kiện dịch bệnh, nguồn cung thịt cho thị trường có thể được bổ sung bằng các sản phẩm thay thế như thịt gà, bò, cá… Hiện nay, nguồn cung mặt hàng thực phẩm thay thế thịt heo tương đối dồi dào nên sẽ bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương khuyến cáo tới người tiêu dùng không nên hoang mang trong sử dụng thịt heo trong điều kiện dịch bệnh, chỉ nên cẩn trọng trong việc lựa chọn nguồn hàng bằng cách đến các địa điểm bán thực phẩm sạch, an toàn, các quầy hàng bán thịt heo đã được cơ quan thú y kiểm dịch đầy đủ theo quy định.

Trong trường hợp dịch tả heo Châu Phi tiếp tục lây lan tại Việt Nam có khả năng ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu từ các nước không bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch này như Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ…

Tuy nhiên, trong thời gian xảy ra dịch bệnh, người tiêu dùng sẽ e ngại hơn trong sử dụng thịt heo nên các doanh nghiệp thương mại cũng sẽ căn cứ vào các tín hiệu của thị trường để xác định lượng nhập khẩu phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm sát các thông tin về tình hình dịch bệnh, tình hình sản xuất các sản phẩm chăn nuôi (đặc biệt là mặt hàng thịt heo) để kịp thời có phương án chỉ đạo, hỗ trợ nhập khẩu bù đắp nguồn cung trong trường hợp bị thiếu do dịch bệnh.

Đồng thời Bộ cũng phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, đưa tin chính xác về tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng ngừa để tránh gây hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi heo, tránh những tâm lý tiêu cực gây bất ổn thị trường thực phẩm.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Trả lời